Trong quý I-2018, dù tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước có dấu hiệu chững lại nhưng Bình Dương vẫn đạt kết quả tốt. Tỉnh tiếp tục huy động được những nguồn lực quan trọng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Bình Dương. Trong ảnh: Một công đoạn sản xuất tại Công ty TNHH Lốp Kumho (Việt Nam), Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn FDI
Thời gian qua, Bình Dương liên tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhờ đó doanh nghiệp đã giảm thiểu các chi phí phát sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bình Dương vừa qua, ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ ChíMinh đã đánh giá cao việc lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, nhàđầu tư nước ngoài. Việc làm này không những thúc đẩy sự hợp tác mà còn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Bình Dương. Đây cũng là điều kiện để Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Bình Dương trong thời gian tới.
Sự cầu thị, năng động của chính quyền tỉnh cộng với những ưu thế lớn về hạ tầng, chính sách ưu đãi đầu tư… đã giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung trong quý I-2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào nước ta là 5,8 tỷ USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 20-3-2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút FDI của cả nước. Cụ thể, 3 tháng qua, Bình Dương đứng thứ ba cả nước với tổng số vốn đăng ký 565 triệu USD, xếp sau TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Trước đó, báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 45.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 52%; hơn 2,7 tỷ USD vốn FDI, vượt 87% kế hoạch năm, tăng 75% so với năm 2016. Vốn FDI giải ngân đạt khoảng 80%. Đa số các dự án sau khi được tỉnh cấp phép đầu tư đều nhanh chóng xây dựng nhà máy để sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công nghiệp phụ trợ hút vốn FDI
Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút 30,66 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 2 cả nước sau TP.Hồ Chí Minh. Trong số này, đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh.
Không chỉ duy trì thứ hạng cao trong biểu đồ thu hút vốn FDI của cả nước, Bình Dương còn thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động… đúng như định hướng tỉnh đã đề ra. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo làngành nghề đứng đầu trong thu hút vốn FDI của tỉnh với 2.406 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 19 tỷ USD.
Các ngành thu hút được nhiều vốn FDI nhất là công nghiệp sản xuất điện tử, kim khí, máy móc, thiết bị… Đặc biệt, có nhiều dự án đã đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng còn thiếu và yếu như: Dự án của Tập đoàn Far Easetern, dự án của Tập đoàn DDK… Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh khẳng định, với cơ sở hạ tầng tốt, cung cấp điện năng đầy đủcùng với chính sách thông thoáng để thu hút nguồn nhân lực, việc Bình Dương chú trọng và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng là bước đi cần thiết, đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là những nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, đô thị…
Khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường kêu gọi đầu tư, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường… cũng như tiến hành quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa chính là tỉnh sẽ tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc... của nhà đầu tư, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.
Có thể nói, vốn FDI làmột trong những nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị của Bình Dương trong thời gian qua và những năm tiếp theo. Chính vì thế, việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Trong điều kiện dòng vốn FDI vào nước ta trong quý I có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, việc Bình Dương vẫn duy trì được thứ hạng cao so với các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy Bình Dương vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư khi chọn Việt Nam để làm ăn. Đây tiếp tục là một tín hiệu vui cho quá trình phát triển của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Quý I-2018, Hà Lan dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương
Từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 27 dự án FDI mới, 8 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn và 7 dự án FDI đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Bên ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 4 dự án FDI đăng ký mới, 5 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn và 11 dự án FDI đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Các dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lắp đặt, xây dựng…
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 274 triệu USD. Lĩnh vực thương mại, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 159,6 triệu USD. Tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP.Hồ Chí Minh, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 30,66 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư cả nước.
Trong quý I-2018, có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Bình Dương. Đặc biệt, trong quý I, Hà Lan vươn lên đứng đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đầu tư 135,8 triệu USD, Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 109 triệu USD, Đài Loan đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD.
M.KHÁNH
KHÁNH VINH