Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2015 thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh đạt con số ấn tượng: gần 3,36 tỷ USD. Trên cơ sở đó, trong năm 2016, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn FDI, nhất là vốn từ các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.
Năm 2016, tỉnh Bình Dương tiếp tục nỗ lực thu hút nguồn vốn FDI. Trong ảnh: Ông Trần Văn Nam (giữa), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN THI
Năm 2015 - ấn tượng vốn FDI
Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp: là một tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp còn nhiều hạn chế. Để phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp đòi hỏi Bình Dương phải có bước đột phá, đi tắt đón đầu và phát huy mạnh mẽ ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Từ khi tái lập tỉnh vào đầu năm 1997, Bình Dương đã mạnh dạn xác định phát triển công nghiệp chính là yếu tố đột phá tạo tiền đề cho tỉnh phát triển. Theo đó, Bình Dương đã thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư”, nắm bắt và khai thác có hiệu quả mọi cơ hội, đồng thời phát huy lợi thế, sức mạnh và thu hút mạnh nguồn lực trong và ngoài nước; trong đó vốn FDI có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đến nay, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bình Dương thực hiện đạt được cao gấp hàng chục lần so với năm tái lập tỉnh. Đến cuối năm 2015, ước quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 142.768 tỷ đồng, gấp 36,4 lần so với năm 1997; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 14,8%. Năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60,3% - 37% - 2,7%. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh tăng gấp 23 lần; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 216.598 tỷ đồng, gấp hơn 54,5 lần; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng gấp 46,3 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 56,5 lần; thu ngân sách tăng gấp 41,6 lần; tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%, tăng 3,4 lần so với năm 1997. Về phát triển khu công nghiệp, nếu như năm 1997 Bình Dương mới có 6 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch 800 ha thì đến nay đã phát triển lên 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích trên 10.000 ha.
Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Bình Dương trong thời gian qua có sự đóng góp của ngành kế hoạch - đầu tư. Theo đó, ngành đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng để phát huy có hiệu quả các lợi thế so sánh; đồng thời huy động tốt các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, bên cạnh thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ, đô thị cũng rất được tỉnh quan tâm. Với hệ thống cơ sở hạ tầng bước đầu được đầu tư đồng bộ, hiện đại, 2 lĩnh vực này đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Một thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh là trong thời gian qua, Bình Dương đã chủ động xây dựng các chương trình, nội dung xúc tiến, mời gọi đầu tư; tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời luôn sâu sát, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư. Từ đó đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Có thể nói, năm 2015 là một năm hết sức thành công của tỉnh Bình Dương về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong năm qua, tỉnh đã cấp mới 216 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 3,36 tỷ USD; trong đó phần lớn các dự án được cấp phép hoạt động trong khu công nghiệp. Lũy kế đến ngày 31-12-2015, trên địa bàn tỉnh có 2.587 doanh nghiệp có vốn FDI được cấp phép đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 23,7 tỷ USD. Cũng trong năm 2015, Bình Dương đã cấp điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 145 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 928 triệu USD.
Rõ ràng, năm 2015 là một năm thu hút đầu tư đạt kết quả hết sức khả quan của Bình Dương. Đây vừa là bước đột phá vừa là thành quả của một quá trình đề ra đường lối, chính sách và mục tiêu dài hạn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh.
Tiếp tục tăng cường mời gọi đầu tư
Sau gần 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, Bình Dương được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác thu hút đầu tư. Tuy nhiên, không sớm hài lòng với những kết quả đã đạt được, thời gian qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp thị đầu tư, tập trung vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, nhà đầu tư từ Nhật Bản đang chiếm số lượng lớn, trở thành quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Đây là thành công quan trọng giúp Bình Dương từng bước đạt được mục tiêu tăng cả lượng và chất trong thu hút đầu tư vào địa phương.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng, điểm đến đáng tin cậy. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất với nhiều dự án tầm cỡ của các tập đoàn lớn trên thế giới và Bình Dương đã trở thành một trong 5 tỉnh, thành thu hút nguồn vốn FDI cao nhất cả nước. Bình Dương cũng là một trong số ít tỉnh, thành thu hút được dự án tỷ đô, với sự xuất hiện của Tập đoàn Cheng Long (đầu tư nhà máy giấy 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Ascendas Protrade, TX.Bến Cát). Để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2016, Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường thu hút vốn FDI.
Theo ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với kinh nghiệm sẵn có của mình, Bình Dương tiếp tục triển khai quy hoạch, bố trí quỹ đất để tăng cường thu hút đầu tư sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bình Dương sẽ tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư đúng định hướng, quy hoạch của tỉnh đã đề ra. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục vận động chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng một phần diện tích các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh sang thương mại - dịch vụ. Trên cơ sở đó, trong năm 2016, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn nhưng Bình Dương vẫn đặt mục tiêu thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2016 và những năm tiếp theo, Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương sát với tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục thực hiện tốt những biện pháp cải cách hành chính; đồng thời đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ để tạo động lực thu hút đầu tư; nhanh chóng giải quyết những vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là những chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu đô thị, bệnh viện, trường học trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt chương trình xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chương trình đào tạo, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ nhà đầu tư; cùng với đó bảo đảm giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường thuận lợi, an toàn nhất cho nhà đầu tư…
KHÁNH VINH