Ông Ninh trao đổi với VnExpress tại buổi họp báo Chính phủ chiều 29/4, một tuần sau khi Bộ Tài chính đề xuất 3 đối tượng được miễn thuế. Ông cũng chia sẻ một số công việc Chính phủ chuẩn bị triển khai trong thời gian tới nhằm điều tiết thị trường giá cả, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, ông cũng không quên gửi thông điệp: Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc tăng mức hỗ trợ cho một số đối tượng chính sách như công nhân lao động thuộc các khu chế xuất, doanh nghiệp FDI, lực lượng vũ trang nhân dân và giới học sinh sinh viên.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/4- Trong bối cảnh giá cả hầu hết các mặt hàng đang tăng cao như hiện nay, việc sửa thuế thu nhập cá nhân được coi là việc không đừng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc miễn giảm thuế được thực hiện khi nào và mức giảm ra sao?
- Thuế thu nhập cá nhân có rất nhiều vấn đề phải bàn. Trên quan điểm của cá nhân tôi và Bộ Tài chính, tôi có thể khẳng định rằng cần thiết phải sửa đổi thuế theo hướng miễn giảm cho một số đối tượng phù hợp.
Hiện nay, một người độc thân có thu nhập trên 4 triệu đồng mới bắt đầu phải nộp thuế. Trong đó, anh ta được trừ 4 triệu đồng cho bản thân, 1 triệu đồng tiếp theo mới phải nộp thuế 5%, tương đương với 50.000 đồng. Tương tự, những cá nhân có người phụ thuộc được chiết trừ 6,6 triệu đồng hay 7,2 triệu đồng, tùy vào số lượng người phụ thuộc. Nhưng đồng thu nhập dôi dư ra mới bắt đầu tính thuế. Như vậy, những người có mức lương trung bình mới bắt đầu phải nộp thuế. Những người có thu nhập thấp hầu như không thuộc diện điều chỉnh bởi Luật Thuế Thu nhập cá nhân.
Hiện nay, có 650.000 người nằm trong diện thường xuyên nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong đó có 20% người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nộp thuế cho ngân sách tới 80%. 80% số người còn lại chỉ nộp khoảng 20% trên tổng số thuế thu nhập cá nhân cho ngân sách. Nói như vậy để thấy, đối tượng nào đang chịu đóng thuế và khi miễn giảm thuế cần phải nhắm vào đâu, vào những cá nhân nào. Quan điểm của chúng tôi là cần xem xét đối tượng miễn giảm để giảm cho đúng và cho trúng.
Bữa cơm người lao động cũng nhuốm màu lạm phát.- Khi nào phương án miễn giảm thuế sẽ được trình Quốc hội, thưa ông?
- Tại phiên họp tháng ba, chúng tôi đã trình Chính phủ phương án miễn giảm thuế cho một số đối tượng. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng miễn cái gì, giảm cái gì mà thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì nên xúc tiến làm trước. Cái gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì nên nghiên cứu kỹ để trình vào cuộc họp sau. Lúc đó, chúng tôi đã lựa chọn giãn thuế một năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để làm trước. Còn thuế thu nhập cá nhân tiếp tục xây dựng, lấy ý kiến để trình trong phiên họp tới. Phương án cuối cùng sẽ do Quốc hội quyết vào kỳ họp tới.
Như tôi cho rằng đã là thuế cần điều tiết cho công bằng, những người thu nhập khá thoải mái có thể "vô tư" đi du lịch thì không nên xem xét giảm thuế.
- Vậy, Bộ Tài chính sẽ đề xuất đối tượng có thu nhập bao nhiêu một tháng sẽ nằm trong diện được miễn thuế hoặc giảm thuế, thưa Bộ trưởng?
- Quan điểm của tôi là, sẽ cân nhắc giảm thuế với đối tượng có thu nhập nằm trong bậc 1 - thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng đang chịu thuế suất 5%. Chẳng hạn những người độc thân có thu nhập không quá 9 triệu đồng một tháng, sau khi đã trừ 4 triệu đồng cho bản, thân 5 triệu đồng còn lại đang đóng thuế suất 5% sẽ được cân nhắc miễn giảm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tính đến việc miễn giảm thuế đối với thu nhập từ mua bán chứng khoán, chuyển nhượng vốn.
- Sau xăng dầu, đến lượt điện được thực hiện theo cơ chế thị trường. Nhiều ý kiến lo ngại việc nếu giá xăng dầu, điện tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ dẫn đến những cú sốc cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là chúng ta đang điều hành giá trong bối cảnh rất khó khăn. Giá thế giới tác động và sức ép trong nước khiến chúng ta không thể áp dụng phương thức điều hành như cũ nữa. Trong các phiên họp trước, Chính phủ thống nhất rằng vẫn kiên trì cơ chế thị trường, tức là giá cả sẽ do thị trường điều tiết. Thế nhưng, khi theo thị trường rồi nếu điều hành không cẩn thận sẽ gây có sốc lớn.
Ngay như giá điện, nếu chúng ta tính đúng tính đủ thì việc tăng giá chắc chắn sẽ làm đảo lộn cả nền kinh tế. Vì vậy, bước đầu, chúng ta thực hiện việc điều chỉnh giá bán theo lộ trình để đảm bảo cho sản xuất trong nước. Tức là lẽ ra điện có thể tăng tới 50% mới là tính đúng, tính đủ nhưng chúng ta chỉ điều chỉnh 15,28%. Như vậy, chúng ta tăng nhưng có lộ trình từng bước một. Các mặt hàng khác như xăng dầu, than... cũng trên nguyên tắc như vậy.
- Thưa Bộ trưởng, Chính phủ có chủ trương sử dụng khoản tiền cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên như thế nào?
- Việc cắt giảm 10% chi tiêu công, Chính phủ đang theo dõi và khi thấy đủ điều kiện sẽ có quyết định cụ thể.
Trong phiên họp thường trực Chính phủ hôm qua, Thủ tướng cũng hỏi các bộ ngành có biện pháp khác, ngoài Nghị quyết 11 không? Sau khi thảo luận, chúng tôi thấy rằng nghị quyết này phù hợp với thực tiễn và chỉ cần thực hiện quyết liệt hơn nữa đã có thể đạt được những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, có thể Chính phủ sẽ bổ sung thêm đối tượng được ưu đãi đang chịu tác động bởi lạm phát như người có thu nhập thấp, lao động làm việc trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, lực lượng dân phòng và học sinh, sinh viên. Đối với việc sử dụng khoản cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên, đến nay chúng tôi chưa quyết định cụ thể.
Biểu thuế suất đối với các khoản thu nhập chịu thuế của cá nhân:
Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/tháng(triệu đồng) Thuế suất (%) 1 Đến 5 5 2 Trên 5 đến 10 10 3 Trên 10 đến 18 15 4 Trên 18 đến 32 20 5 Trên 32 đến 52 25 6 Trên 52 đến 80 30 7 Trên 80 35 Theo VNE