Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN kỳ vọng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn.
Doanh nghiệp chủ động vượt khó
“Với mục tiêu giữ việc làm ổn định cho công nhân cùng với việc đa dạng thị trường, chúng tôi cũng đã chấp nhận thêm nhiều đơn hàng nhỏ, đơn hàng giảm giá từ 20 - 30% so với trước đây. Do vậy trong năm 2023, khi thị trường gặp khó khăn, công ty vẫn giữ được mức sản lượng với doanh thu biến động không lớn. Hiện nay, toàn bộ nhân công nhà máy đang thực hiện tăng ca thêm 1,5 giờ/ngày để kịp những đơn hàng giao trong quý IV. Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2023”, bà Lê Thị Hương, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ nghệ Á Châu (TP.Tân Uyên), cho biết.
Các đơn vị sản xuất tăng cường kết nối, tìm kiếm khách hàng, nguyên phụ liệu. Trong ảnh: Đại diện doanh nghiệp tham dự Hội nghị kết nối giao thương Đông Nam bộ 2023 tổ chức tại Bình Dương
Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của các DN sản xuất, kinh doanh đang được bộ, ngành, địa phương triển khai, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN khôi phục và phát triển. Bên cạnh đó là sự nỗ lực tự thân của cộng đồng DN. Ông Yasuda Yoshiki, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN VSIP 2), cho biết công ty đang nỗ lực đầu tư nâng cấp, cải thiện sản phẩm, nhằm tiếp tục tìm kiếm đơn hàng. “Chúng tôi đang cải tạo xưởng số 1 và số 2 của nhà máy với mục tiêu ban đầu là nâng cao sự tín nhiệm của khách hàng, có thêm đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư trong thời gian tới”, ông Yasuda Yoshiki nói.
Đối với các DN trong nước, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam (TX.Bến Cát), cho biết đơn hàng của quý IV cơ bản ổn định. DN đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cho những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, điều này hiện khó khăn khi phía khách hàng cũng cẩn trọng trong đặt hàng. Đồng thời, DN mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm và kiến nghị các ngành tăng cường kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Nhu cầu vốn cao
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp. Tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp để ngành công nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, đúng định hướng. |
Theo cộng đồng DN, để các giải pháp thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế cần cung cấp nguồn vốn tín dụng cho DN, mạnh dạn nới lỏng điều kiện, thủ tục để các chủ thể tự tin tăng cường phối hợp giải ngân các gói hỗ trợ, DN cũng dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi, tránh tình trạng “DN đói vốn nhưng ngân hàng vẫn ế vốn”.
Vấn đề này, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, cho rằng “chưa bao giờ vay vốn khó như hiện nay” vì phải căn cứ vào tài sản thế chấp. Ông mong muốn ngân hàng có thể căn cứ vào doanh thu của DN để cho vay thay vì tài sản thế chấp. Đồng thời, mong lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho DN tham gia góp ý kiến đối với các chính sách liên quan; đẩy mạnh tổ chức kết nối các DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Dương, cho biết để hỗ trợ DN tiếp cận các gói vay tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các chính sách, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khác để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
TIỂU MY