Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để nâng tầm phát triển kinh tế - xã hội. Trao đổi với Báo Bình Dương, Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn, phải coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn. Tầm vóc của một đô thị không chỉ là sức mạnh kinh tế mà còn là văn hóa, tri thức, mỹ thuật, môi trường…
- Sau 25 năm xây dựng và phát triển, quy mô nền kinh tế của Bình Dương hiện đã lớn mạnh, ông có thể cho biết nhìn nhận của mình về những thành tựu mà Bình Dương đã đạt được?
- Vị thế và thành tựu của Bình Dương hôm nay là thành quả mang dấu ấn của trí tuệ, của bản lĩnh kiến tạo, đột phá và thực thi quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo và người dân xuyên suốt từng giai đoạn phát triển. Bình Dương hiện đang giữ nhiều vị trí trong top đầu của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thu nội địa, trích nộp vào ngân sách Trung ương, tỷ lệ xuất siêu... Trên tất cả, ở Bình Dương dù là người dân bản xứ, người lao động ngoài tỉnh, bây giờ họ đều có cùng chung cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển này. Điều đó cho thấy quyết tâm, tiềm năng và những thành công của tỉnh. Có thể nói, những kết quả đạt được hôm nay, giúp Bình Dương lạc quan về vị thế trong tương lai.
- Bình Dương đã có những thay đổi mang tính đột phá trên nhiều phương diện, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Là một doanh nhân của Bình Dương, ông có suy nghĩ gì về điều này, thưa ông?
- Năm 1998 tôi thành lập Công ty U&I, công ty mẹ của hơn 60 công ty con và công ty liên kết bây giờ, với hơn 20.000 người lao động. Cũng vì tác động bởi tính đoàn kết và cộng đồng trách nhiệm bắt nguồn từ các vị tiền bối mà tên của công ty là như vậy, với nghĩa tiếng Việt là Bạn & Tôi, khẩu hiệu của công ty là quyền lợi của khách hàng trước hết. Tôi nói điều này để muốn nhắc đến một việc khác mà cá nhân tôi vô cùng thấm thía qua nhiều năm đầu tư ở nhiều nơi trên đất nước: Chỉ ở đâu mà tính đồng lòng và sự gắn kết của ba lực lượng Nhà nước, doanh nghiệp và người dân được giữ ở mức cao thì ở đó mới có sự phát triển thật sự và mới thu hút được đầu tư nghiêm túc. Vì sao vậy? Vì khi đó ai cũng thấy quyền lợi của mình được tôn trọng và đương nhiên đi theo đó là trách nhiệm giữ gìn sự công bằng ấy.
Tầm vóc của một đô thị hiện đại không chỉ là kinh tế mà còn là văn hóa, giáo dục, môi trường, sức khỏe và trên hết là ý thức của người dân. Trong ảnh: Khu phố mới phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: TRẦN DUY TÌNH
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hôm nay đã có vai trò hoàn toàn khác trong nền kinh tế quốc gia. Bình Dương đã trở thành một thế lực kinh tế thật sự, là một tiếng nói có trọng lượng trong mọi tổ chức, mọi diễn đàn lớn. Rất nhiều doanh nghiệp lớn của Bình Dương có cơ sở ở nhiều tỉnh, thành trong nước và cả ở nước ngoài. Cũng như mọi người Bình Dương khác, tôi vô cùng tự hào khi nhắc đến Becamex IDC, VSIP, Minh Long… Các doanh nghiệp của Bình Dương đi đến đâu đều có đóng góp, đều được tôn trọng, đều có ý thức giữ gìn lời hứa của mình. Đây là một thành tựu chúng ta cần gìn giữ và mở rộng hơn.
- Theo ông, Bình Dương cần làm gì để có thể phát triển thật căn cơ và bền vững trong thời gian tới?
- Với vai trò là một đầu tàu kinh tế có tính hội nhập rất sâu và là tỉnh hiếm hoi liên tục xuất siêu để giúp cân đối cán cân thanh toán quốc gia, Bình Dương không thể đứng riêng lẻ mà phải xây dựng các mối quan hệ thật tốt với các tỉnh, thành lân cận, với các cơ quan Trung ương để luôn có thể xử lý các vấn đề có liên quan thật chặt chẽ, nhanh chóng và hiệu quả.
Nhìn về tương lai, để có thể phát triển thật căn cơ và bền vững, tôi cho rằng Bình Dương cần bổ sung cho mình một vài công cụ tăng năng lực quản trị của chính quyền. Cục Địa chính Singapore (SLA) và Cục Tái thiết đô thị Singapore (URA) là những mô hình rất tốt cho các ngành địa chính, quy hoạch và xây dựng của Bình Dương. Temasek của Singapore hay Quỹ Đầu tư Quốc gia của Norway cũng là những hình mẫu rất đáng để chúng ta học hỏi. Nếu vướng luật thì chúng ta có thể đề xuất sửa luật. Tôi tin là trí tuệ tập thể của người Bình Dương đủ để chúng ta nhìn rộng ra, đối chiếu mình với cách thức quản trị của các đô thị tốt nhất thế giới và điều chỉnh để Bình Dương thoát thân từ ý nghĩa trong tên gọi là một chỗ bằng phẳng theo nghĩa gốc trở thành nơi của sự an bình và phát triển.
- Trong nhiều cuộc trao đổi, thảo luận về sự chuẩn bị nội lực của Bình Dương trước hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới, ông luôn nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong phát triển?
- Đúng vậy, Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn thì phải coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển. Con người nhân văn, sử dụng lý trí và khoa học làm cơ sở cho việc ra quyết định, là yếu tố then chốt tạo ra tiến bộ. Các thiết chế xã hội để con người thông qua đó đóng góp ý tưởng, trí tuệ, thể hiện lòng yêu nước của mình và góp phần mình vào sự phát triển của nơi mình sinh sống, càng lúc càng có giá trị to lớn trong một đô thị văn minh.
Một tầm nhìn tốt là một tầm nhìn tạo động lực, tạo khát khao phấn đấu và đương nhiên là có khả năng thành hiện thực. Nếu được phép diễn dịch Tầm nhìn là đô thị thông minh nào năm 2045 của Bình Dương, tôi mong đô thị Bình Dương đó giữ vững vị trí nằm trong Top 5 về sự thịnh vượng (đo bằng GDP trên đầu người) và cả về văn hóa (đo qua khảo sát về mức độ hạnh phúc của người dân). Tôi mong là các vị lãnh đạo tỉnh đương nhiệm sẽ xác định những mục tiêu cụ thể dài hạn này ngoài các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ và đưa chúng thành kim chỉ nam, thành mệnh lệnh hành động đối với toàn bộ cán bộ, viên chức, nhân dân và doanh nhân trong tỉnh. Khi những mệnh lệnh đó xuất phát từ sự yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với tỉnh nhà, thì mỗi chúng ta mới có thêm sức rướn để hoàn thành, bởi không có mệnh lệnh nào lớn hơn mệnh lệnh từ trái tim.
- Trân trọng cảm ơn ông!
NGỌC THANH (thực hiện)