“Sau 25 năm xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn và tầm nhìn chiến lược rất tốt”. Đó là nhận định của Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, khi đánh giá về thành tựu của Bình Dương qua 25 năm phát triển. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trần Du Lịch.
Hạ tầng giao thông Bình Dương hướng tới việc liên kết vùng. Ảnh: XUÂN THI
- Xin ông cho biết những lợi thế của Bình Dương trong phát triển kinh tế. Bình Dương đã tận dụng lợi thế này để đột phá như thế nào?
- Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương có tốc độ phát triển rất đáng kể. Bình Dương đã tận dụng tối đa lợi thế thổ nhưỡng, địa lý, điều kiện tự nhiên của mình để xây dựng và phát triển công nghiệp, thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Trong đó, việc nằm gần TP.Hồ Chí Minh - trung tâm đô thị - kinh tế lớn nhất của cả nước, giúp Bình Dương rất nhiều trong chiến lược phát triển.
Những bước đột phá của Bình Dương có thể đến như: Thứ nhất, chính sách trải thảm đỏ là cơ chế được địa phương thực hiện rất tinh tế; hỗ trợ kịp thời cho các nhà đầu tư và các chính sách nối tiếp liên tục.
Thứ hai, việc liên kết với Singapore phát triển Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tận dụng thời cơ thời điểm cả nước mở cửa phát triển kinh tế theo hướng thị trường là hướng đi có tầm chiến lược và lâu dài.
Thứ ba, sự phát triển của Bình Dương còn nhờ sự đột phá của chính quyền. Đó là biết sử dụng công cụ đầu tư của mình trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, mà đi đầu là Tổng Công ty Becamex IDC. Với công cụ nhà nước này đã thúc đẩy phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng. Yếu tố này rất quan trọng trong quá trình phát triển của Bình Dương.
- Một trong những yếu tố giúp Bình Dương thành công là cải cách hành chính. Sắp tới, Bình Dương cần làm gì thêm, thưa ông?
- Ngay từ ban đầu phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, Bình Dương đã nổi lên là một địa phương thực hiện cải cách hành chính tốt nhất cả nước. Chính điều này đã làm tăng thêm lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư được cả nước ưu tiên quan tâm. Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu thực hiện mô hình chính quyền điện tử. Nếu địa phương tận dụng tối đa công nghệ thông tin làm công cụ quản lý, Bình Dương sẽ có thêm nhiều lợi thế. Đó là cách giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí… tạo uy tín, sự hấp dẫn về môi trường đầu tư của Bình Dương sẽ được nâng tầm. Để thực hiện được điều này, Bình Dương cần có sự nhất quán, xuyên suốt và đồng bộ từ mô hình quản lý cấp tỉnh xuống cấp địa phương, từ chính quyền điện tử đến xã hội điện tử.
- Ông ấn tượng điều gì nhất đối với những thành công mà Bình Dương đã đạt được trong hành trình 25 năm phát triển?
- Sau 25 năm xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nghèo với kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn và tầm nhìn chiến lược rất tốt.
Qua các giai đoạn phát triển cho thấy tầm nhìn rất xa của lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ. Bình Dương đã có kế hoạch phát triển trung hạn và dài hạn. Ngay cả việc hiện nay Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông để liên kết với các tỉnh, thành lân cận và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, cho thấy khả năng nhìn xa của Bình Dương về việc phát triển trong tương lai.
Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đầu tư xây dựng, như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường ĐT744, đường Vành đai 3, Vành đai 4… để bảo đảm hạ tầng giao thông các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh cũng như bảo đảm sự liên kết chặt chẽ của Bình Dương trong chiến lược phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Thưa ông, rõ ràng Bình Dương không có nhiều lợi thế như Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bình Dương cần làm gì thêm trong thời gian tới?
- So với các tỉnh, thành lân cận, rõ ràng Bình Dương không có nhiều lợi thế. TP.Hồ Chí Minh có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Đồng Nai chuẩn bị có sân bay Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng Cái Mép… Nhưng xu thế phát triển hiện nay là hướng tới liên kết vùng. Mỗi địa phương sẽ giữ một vai trò trong chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết.
Tuy không có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế tốt như các tỉnh, thành khác, nhưng Bình Dương hoàn toàn có thể tận dụng những ưu thế nội tại của mình. Hệ sinh thái kinh tế Bình Dương tương đối đầy đủ và phong phú, Bình Dương nên chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển dịch vụ liên quan tới logictics, thương mại, ngân hàng…
Từ lâu, tôi đã xem tứ giác phát triển Bình Dương - TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Vũng Tàu là một cực phát triển cực mạnh ở khu vực kinh tế phía Nam. Như đã nói, tầm nhìn chiến lược của Bình Dương rất tốt, trong đó việc xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4 là bước chuẩn bị cho việc liên kết vùng. Điều cần làm để phát triển kinh tế vùng là các tỉnh, thành còn lại cũng cần đẩy mạnh tiến độ xây dựng đường giao thông kết nối toàn bộ, xuyên suốt… để hàng hóa dễ dàng lưu thông.
- Ngoài phát triển công nghiệp, Bình Dương còn quan tâm tới phát triển đô thị. Ông đánh giá như thế nào về phát triển đô thị hiện nay của Bình Dương?
- Những năm qua, Bình Dương cũng đã tăng tốc phát triển đô thị, nhưng chưa xứng tầm với tiềm lực của tỉnh. Việc đô thị hóa Bình Dương vẫn còn một số hạn chế đến từ kết cấu hạ tầng.
Tương lai TP.Dĩ An, TP.Thuận An trở thành đô thị phát triển mạnh về dịch vụ, Bình Dương cần học theo mô hình siêu đô thị như TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện. Quá trình đô thị hóa nông thôn của Bình Dương đang diễn ra mạnh mẽ. Hệ thống giao thông kết nối giữa nông thôn và thành thị của Bình Dương được tỉnh quan tâm đúng mực. Tuy vậy, Bình Dương cần quan tâm tới việc đưa nông dân thành thị dân khi diện tích đất nông nghiệp sẽ hẹp dần. Đó là cần chú trọng đến với đào tạo nghề cho khu vực nông thôn khi chuẩn bị đón nhận làn sóng phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn.
- Xin cảm ơn ông!
- Về nguồn nhân lực, Bình Dương cần làm gì để chuẩn bị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thưa ông? - Từ chính sách trải thảm đỏ mời gọi nhân tài, qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương thu hút nhiều tri thức, nhà khoa học về đóng góp cho tỉnh nhà. Bình Dương cần tiếp tục chính sách này để chào đón nguồn nhân lực trí thức cao về Bình Dương. Việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ rất quan trọng, nhưng cần gắn với nhu cầu của các nhà đầu tư. Nhất là Bình Dương đang có định hướng phát triển công nghiệp theo hướng ít thâm dụng lao động, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Quá trình phát triển công nghiệp của địa phương cũng đã đón nhận rất nhiều lao động ngoài tỉnh về đây làm việc. Những lao động này cần được đào tạo và tái đào tạo liên tục để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, chính sách giữ chân nguồn nhân lực cũng đáng được quan tâm. Bởi hiện nay, cạnh tranh nguồn nhân lực diễn ra trên diện rộng, giữ chân được lao động sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm hơn. Rất vui khi suốt thời gian qua, Bình Dương làm rất tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm nhiều đến đối tượng công nhân là lao động nhập cư ngoài tỉnh. Trong đó, việc xây dựng nhà xã hội cho người thu nhập thấp cũng là điểm sáng của tỉnh. |
PHÙNG HIẾU (thực hiện)