Tiếp bước truyền thống hào hùng cùng các anh

Cập nhật: 25-07-2016 | 10:20:17

Bài 3: Bót Cầu Định - Ghi dấu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Chí Quốc

Trên quốc lộ 13 thuộc địa phận khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát, di tích bót Cầu Định vẫn còn đó. Di tích đã chứng minh cho sự bất khuất của quân và dân ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập tự do. Và nơi đây, giờ như tiếp thêm động lực, niềm tin cho thế hệ trẻ sống hết mình như người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Chí Quốc đã hy sinh. Tấm gương trẻ đầy tự hào cho các bạn viết tiếp trang sử vàng chói lọi của dân tộc…

 

 Tuổi trẻ phường Tân Định vẫn tiếp tục truyền thống hào hùng của dân tộc để sống có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước

 

Dấu xưa, tích cũ...

Bót Cầu Định nằm trên đồi gò cao khoảng 10m (so với quốc lộ 13), phía dưới có giao thông hào sâu khoảng 2m bao xung quanh gò đồi, trên đỉnh đồi gò có 3 lô cốt cao ở 3 góc (hình tam giác) có 12 ụ quan sát và chiến đấu, lô cốt có hình tròn đường kính khoảng 6m, mỗi lô cốt có 4 ụ quan sát, dưới đồi có 4 ụ kẽm gai được gài mìn bảo vệ xung quanh. Sau khi xây dựng bót Cầu Định, Pháp đưa quân càn quét hai bên quốc lộ 13, lộ 2 bắn chết trâu bò, bắt người đem xử bắn thả xuống sông ở cầu Ông Cộ. Đầu năm 1947, Pháp đưa sếp Chừ về bót Cầu Định, Chừ rất ác ôn, thâm độc, y thường đưa lính đi ruồng kích truy tìm lực lượng của ta, Pháp còn bắt phụ nữ đem về giam cầm và hãm hiếp rất dã man. Đứng trước tình hình đó, ngày 30-4-1947, xã Tân Định (nay là phường Tân Định) tổ chức họp dân quân chánh ở đình Cầu Định, đề ra nghị quyết: tập trung củng cố lại các tổ chức, chuẩn bị các đoàn thể, mặt trận, ủy ban kháng chiến xã, tự vệ xã 1 tiểu đội, mỗi ấp 1 tiểu đội, dân quân có từ 2 đến 3 trung đội. Các đội tự vệ tổ chức canh gác, tiêu diệt binh lính Pháp khi có điều kiện thuận lợi, đưa phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh hơn.

Khó khăn lớn nhất của ta là bót Cầu Định do Pháp xây dựng rất kiên cố, Một Dõng người của ta bị Pháp chiêu hồi nên ông rất thạo chiến thuật hoạt động của ta, nên đã bố trí 5 hàng rào chống đạn lửa, bên dưới là bãi ma có gài lựu đạn và gắn mìn theo hàng rào, câu dây vào trong, khi quân ta vào sẽchâm điện cho trái nổ…

Anh dũng hy sinh

Trong trận Cầu Định (tháng 4-1952), Ngô Chí Quốc bị thương nặng chưa kịp thoát ra ngoài, địch bắt được tra tấn dã man, chết đi sống lại, đồng chí vẫn không khai, luôn tìm cách vượt ngục. Vượt ngục lần thứ nhất bị lộ, Ngô Chí Quốc dũng cảm đứng lên nhận tất cả trách nhiệm, chịu đòn thay cho anh em. Lần thứ hai, nhân lúc trời bão, đồng chí đã đưa được 7 cán bộ cùng thoát về đơn vị an toàn.

Trận Cầu Đinh lần thứ hai (tháng 3-1954), Ngô Chí Quốc chỉ huy tiểu đội bộc phá đánh vào đến hàng rào thứ 3 thì bộc phá hết, vẫn còn vướng 2 khung hàng rào mái nhà nữa. Trước hỏa lực ác liệt của địch, Ngô Chí Quốc giao súng cho đồng đội rồi lăn sang hướng khác (xa đội hình tiến công của đơn vị) và hô lớn: Xung phong! Địch tưởng ta chuyển hướng nên tập trung hỏa lực bắn về phía đó. Ngô Chí Quốc đã anh dũng hy sinh, nhưng đơn vị đã tiến vào tiêu diệt được toàn bộ đồn này.

Giáo dục truyền thống...

Trong những ngày tháng 7 đầy tự hào này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, chúng tôi cũng có dịp tìm về chiến trường xưa. Dấu xưa, tích cũ vẫn còn đó và các bạn trẻ xem đây như là những bài học đắt giá cho hòa bình hôm nay. Các bạn ra sức rèn luyện, học tập để sống xứng đáng hơn truớc sự hy sinh của các anh.

Hôm nay, các bạn có dịp một lần nữa tìm hiểu về Ngô Chí Quốc, người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Hiệp Bình, huyện Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 3-1946. Khi hy sinh Ngô Chí Quốc là tiểu đội phó trinh sát Tiểu đoàn 303, Đại đoàn 330, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngô Chí Quốc đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 12 lần được tiểu đoàn và trung đoàn khen và được bầu là Chiến sĩ thi đua của toàn đơn vị. Ngày 7-5-1956, Ngô Chí Quốc được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bạn Từ Quốc Tuấn, Bí thư Đoàn phường Tân Định nói: “Giáo dục truyền thống cách mạng cho các bạn trẻ đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của người cán bộ Đoàn. Trong những năm gần đây, ở các hội trại giao quân bao giờ tên trại của phường Tân Định vẫn là Ngô Chí Quốc đầy tự hào của các bạn đoàn viên. Đó là cách để các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử, tự hào hơn về những gì mình đang có và đặc biệt là sống có trách nhiệm hơn với chính quê hương mình…”.

Với lịch sửlà thế, các bạn vẫn tiếp tục giữ mãi ngọn lửa hào hùng của dân tộc để sống xứng đáng hơn với hai chữ “tự do” mà các bạn đang có. Song, với những người còn ở lại, những bà mẹ Việt Nam trên quê hương Tân Định, các bạn vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, cũng như nghe những câu chuyện rất đỗi tự hào về các anh đã hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, đất nước…

Bài cuối: Đau đáu một niềm tin

SONG ANH

 

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Anh hùng

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=669
Quay lên trên