Trong khi nền kinh tế đang sẵn sàng với tâm thế “phục hồi” sau những chuỗi ngày dịch bệnh Covid-19 tạm lắng, thì đại dịch Covid-19 xuất hiện trở lại và làm thay đổi mọi kế hoạch làm việc, sản xuất, kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp (DN) đã hoạch định từ trước. Theo thông lệ hàng năm, quý II và III là thời điểm thuận lợi cho các DN lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch từ đầu năm. Nhưng từ cuối tháng 5 đến nay, đa phần các DN trong tỉnh như “ngồi trên đống lửa” vì những tác động tiêu cực của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4.
Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, các DN lại vừa phải phòng, chống dịch bệnh bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, vừa phải chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình mới để duy trì và phát triển. Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 DN với khoảng 390.000 công nhân đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên mới đây, một số DN đã phát hiện có ca nhiễm Covid-19 và buộc phải ngừng sản xuất. Đại diện một số DN thừa nhận đang trong tình cảnh “vừa làm vừa lo”, nhưng phần lớn DN đều đã hưởng ứng, cùng chung tay với tỉnh để kiểm soát tình hình dịch bệnh và duy trì sản xuất. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các DN đã nỗ lực hết sức, bố trí, sắp xếp các khu ăn uống, nghỉ ngơi cho người lao động.
Hiện trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp hơn, đòi hỏi người đứng đầu các DN tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, không chủ quan, lơ là trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người lao động cùng thực hiện. Mỗi DN đang tiếp tục chủ động xây dựng các tiêu chí để có phương án phù hợp, kịp thời trong việc ứng phó với dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, cũng như “sức khỏe” của DN là yêu cầu mà cả người lao động và người sử dụng lao động phải luôn quán triệt thực hiện. Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, các DN vẫn rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Bình Dương đã xác định 2 “mặt trận” là vừa chống dịch, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Tín hiệu tích cực là trong sóng lớn dịch thứ tư, Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp. Thời điểm này, Bình Dương cũng đang khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ DN, như: Hoãn và giãn đóng thuế; hạ lãi suất cho vay... nhằm tiếp sức cho DN phục hồi, duy trì sản xuất. Bình Dương vẫn tiếp tục đồng hành cùng DN một cách hiệu quả. Do vậy, bản thân mỗi DN cần nỗ lực, nuôi dưỡng khát vọng, đón đầu những cơ hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung.
NGỌC THANH