Tiếp tục bảo đảm tiến độ, chất lượng, không lùi thời hạn xây dựng luật

Cập nhật: 22-08-2022 | 14:46:46

Quang cảnh hội nghị.

Sáng 22/8, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức với sự đồng chủ trì của các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Tại hội nghị, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... báo cáo cụ thể về tiến độ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 81, nội dung trọng tâm và những vấn đề đang đặt ra trong thực hiện từng nhiệm vụ.

Về kết quả thực hiện Kế hoạch 81 và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI đều đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là sự chủ động, đồng hành, sát sao, từ sớm, từ xa của Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; mở rộng việc lấy ý kiến nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự luật, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học ở tất cả các khâu của quy trình lập pháp, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các dự luật.

Các đại biểu bày tỏ hết sức ấn tượng khi chỉ trong chưa đầy 10 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 81, đến nay đã hoàn thành tới 49,6% tổng số nhiệm vụ lập pháp, trong bối cảnh thời gian này Quốc hội, Chính phủ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp để đưa đất nước vượt qua khó khăn của dịch COVID-19, phục hồi và tiếp tục phát triển.

Điều này cho thấy sự chủ động và tinh thần quyết tâm hết sức mạnh mẽ của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế.

Khối lượng công việc triển khai nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 trong thời gian tới vẫn còn rất lớn, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất khó (như việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai...), các đại biểu đều thống nhất rất cao yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể là từng cơ quan, tổ chức đều phải quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp cụ thể và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ ngày 14/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Kết luận nhằm định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng nhằm cụ thể hoá và thể chế hoá tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo điều kiện cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động và bao quát hơn trong xây dựng pháp luật, khắc phục tình trạng bị động, lúng túng, thiếu toàn diện trong công tác lập pháp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khi xây dựng chương trình có tầm nhìn cho cả nhiệm kỳ 5 năm và ngay bây giờ đã rà soát những nội dung mà có thể đến năm cuối nhiệm kỳ mới triển khai.

Điều này bảo đảm tính toàn diện, tính bao quát và chủ động hơn rất nhiều so với việc chỉ bám vào chương trình lập pháp hằng năm. Đây là ý nghĩa rất đặc biệt của Kết luận số 19 của Bộ Chính trị.

Qua gần 1 năm thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 812 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan; đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức của trong điều kiện nguồn lực và quỹ thời gian đều có hạn nhưng phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, những nhiệm vụ hệ trọng chưa từng có để thích ứng với điều kiện dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Kết luận số 19 của Bộ Chính trị đã được triển khai hết sức nghiêm túc, khẩn trương, bài bản, công phu và đạt được những kết quả hết sức quan trọng.

Chỉ sau 9 tháng của năm đầu tiên thực hiện Kết luận số 19 và Kế hoạch số 81, các cơ quan đã hoàn thành 68/137 nhiệm vụ theo đúng tiến độ yêu cầu trước 30/6/2022, đạt 49,6% tổng số nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, trong đó có 8/68 nhiệm vụ thực hiện vượt tiến độ. 

Cụ thể, thực hiện Kế hoạch 81, đã có 10/68 nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua; 22/68 nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết và đã được đưa vào Chương trình; 32/68 nhiệm vụ đã hoàn thành, được đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng chưa được đề xuất đưa vào Chương trình; 4/68 nhiệm vụ đã hoàn thành, nhưng không đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết. Các dự luật được trình Quốc hội vừa qua đều đạt được sự đồng thuận rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị.

“Đây là kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối lập pháp, hành pháp, tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp...,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá rất cao sự đổi mới, quyết liệt của tất cả các cơ quan với những biện pháp, cách thức triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả như: linh hoạt tổ chức các kỳ họp theo hình thức trực tuyến và kết hợp trực tuyến với trực tiếp; tổ chức kỳ họp bất thường xem xét, kịp thời quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách do thực tiễn cuộc sống và yêu cầu phát triển đặt ra; sửa đổi ngay một số luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian hơn, tập trung xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và có kết luận cụ thể về từng dự án để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức tiếp thu, chỉnh lý; tổ chức các phiên họp bất thường, kể cả ngoài giờ hành chính, để kịp thời xem xét các tờ trình, báo cáo của Chính phủ và giải quyết những vấn đề phát sinh; từ tháng 8/2022 vừa qua bắt đầu tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật để tập trung xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiên trì lắng nghe ý kiến về các dự án luật, có những nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua nếu nhận được ý kiến thì vẫn tiếp tục thảo luận làm rõ nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Phối hợp từ sớm, từ xa, cộng đồng trách nhiệm

Đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan trình rất chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến lần trình Quốc hội thứ hai thì “đổi vai hay không đổi vai - cơ quan nào chủ trì báo cáo Quốc hội cũng không còn quan trọng nữa. Chức trách nhiệm vụ của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra vẫn rành mạch, quan điểm vẫn giữ vững, nhưng các cơ quan cộng đồng trách nhiệm với nhau, cùng nhau thảo luận, xem xét kỹ lưỡng đến cùng. Lãnh đạo Chính phủ, các bộ trưởng hết sức tích cực, dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng pháp luật.”

Do đó, “chúng ta phải tiếp tục cơ chế phối hợp từ sớm, từ xa và cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe lẫn nhau, lắng nghe người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo cách thức này thì các dự án luật dù khó mấy chúng ta cũng làm được và đạt được sự đồng thuận cao,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị.

Nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục thống nhất nhận thức và triển khai nghiêm túc 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Kế hoạch số 81; khẩn trương chuẩn bị các đề nghị xây dựng luật đối với 32 nhiệm vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu rà soát để bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh tình trạng trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nội hàm, phạm vi điều chỉnh chưa thật rõ nên chưa đưa vào chương trình được.

Với 69 nhiệm vụ còn lại của Kế hoạch, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức nỗ lực bảo đảm tiến độ, chất lượng, không lùi thời hạn so với Kế hoạch.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nhiệm vụ lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV không chỉ “đóng khung” lại trong 137 nhiệm vụ tại Kết luận số 81 - đây chỉ là định hướng; do đó, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần chủ động đề xuất thêm các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tăng cường các phiên họp chuyên đề xây dựng luật, bố trí thời gian phù hợp để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng; tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; đổi mới cách thức lấy ý kiến nhân dân, ý kiến chuyên gia...

Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ, đưa dự án luật, pháp lệnh vào chương trình hàng năm.

Đặc biệt, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các cơ chế, quy định để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách, lồng ghép lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự đồng hành với người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Phải tiếp tục đề cao trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật nói chung và triển khai Kết luận số 19, Kế hoạch số 81...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo các cơ quan xây dựng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 19, Kế hoạch số 81 và báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội về nội dung này trình Bộ Chính trị./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên