Ảnh minh họa. Sáng 29-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tờ trình nêu rõ, việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân.
Việc sửa đổi Luật đất đai phải bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; xây dựng cơ chế và có giải pháp để đất đai trở thành nguồn lực cho sự phát triển của đất nước; sử dụng hữu hiệu các công cụ về giá, thuế trong quản lý đất đai nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ, tham nhũng, lãng phí, đồng thời khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác; khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp điều kiện từng vùng.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm có 14 chương và 192 điều, tăng thêm 7 chương và 46 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Trong đó, có một số nội dung mới đáng chú ý như quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện thu hồi đất; bổ sung quy định về cưỡng chế thu hồi đất; quy định rõ nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; sửa đổi quy định về nguyên tắc định giá đất; bổ sung quy định về các phương pháp định giá đất…
Một điểm đổi mới quan trọng khác là bổ sung quy định về điều tra, đánh giá đất đai để Nhà nước vừa “nắm” chắc vừa “quản” chặt và khai thác, sử dụng đất đai khoa học, hiệu quả hơn.
Về khung giá các loại đất, dự thảo được xây dựng theo hướng Chính phủ tiếp tục ban hành khung giá đất nhưng khung giá được thể hiện chi tiết, cụ thể hơn thông qua việc tăng dày các vùng giá trị thay vì chỉ quy định cho 3 vùng (đồng bằng, trung du, miền núi) như quy định hiện nay.
Thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban kinh tế của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập về quy hoạch sử đụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn…
Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế-xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
Một quy định cũng nhận được sự đồng tình cao là Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng- an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Về giá đất, đa số ý kiến cho rằng, phải do Nhà nước quyết định bao gồm khung giá đất và mức giá cụ thể; được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Giá đất được Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo TTXVN