Trong 9 tháng năm 2022, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bệnh dịch tả heo châu Phi được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát bệnh, giá các loại sản phẩm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động... Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có những kế hoạch, giải pháp chủ động trong công tác quản lý điều hành, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Sản xuất nông nghiệp tại Bình Dương phát triển theo hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị. Trong ảnh: Thu hoạch chuối ở Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo)
Đạt kết quả khả quan
Theo đó, ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm H5N1, dịch tả heo châu Phi…
Đối với trồng trọt, diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 6.670 ha, tăng 6% so với cùng kỳ, với các loại cây trồng có giá trị, như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng gần 700 ha, tăng 21% so với cùng kỳ, với các loại cây trồng chủ yếu, như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh và hoa các loại. Tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng giảm so với cùng kỳ, tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 4.997 ha, giảm 40%. Ngoài ra, phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành phố thường xuyên duy trì chế độ báo cáo định kỳ, thông tin tình hình sinh vật gây hại, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời nhằm hướng dẫn nông dân áp dụng trên cây trồng hiệu quả.
Trong chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi ở 16 hộ, trại chăn nuôi tại 7 xã, thị trấn, với tổng số heo mắc bệnh và nghi mắc bệnh là 136 con, tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là 288 con với tổng trọng lượng tiêu hủy 13.389 kg. Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, dại trên chó, mèo và bệnh trên thủy sản không xảy ra. Tuy bệnh dịch tả heo châu Phi đến nay đã được khống chế, nhưng do tình hình thời tiết bất lợi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất cao. Chính vì vậy, thời gian tới ngành thú y đã tăng cường công tác tuyên truyền chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và một số bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm.
Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết những tháng đầu năm sản xuất gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh và biến động thị trường, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Từ quý III dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá các sản phẩm duy trì ở mức thuận lợi nên đã thúc đẩy sản xuất phục hồi và phát triển, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt… Đến nay, 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thời gian qua ngành nông nghiệp cũng đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực trong sản xuất, tuy nhiên phía trước vẫn còn khó khăn. Cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong khi đó, giá bán sản phẩm nông nghiệp vẫn thấp. Thời điểm hiện tại, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung thu hoạch mùa vụ, gieo trồng cây vụ đông; đẩy mạnh tái đàn heo, gia cầm, chăm sóc cây ăn trái... phục vụ thị trường cuối năm. Ngành nông nghiệp sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ; chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, thị trường…
Những tháng cuối năm 2022, ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM, Chương trình OCOP, nông nghiệp hữu cơ, làng thông minh ở xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên)… Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp.
Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, theo dõi tình hình thời tiết, cập nhật thông tin về tình hình khí tượng thủy văn… tham mưu báo cáo lãnh đạo và thông báo kịp thời đến các địa phương có kế hoạch ứng phó. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị khai thác, quản lý khai thác các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, thường xuyên kiểm tra các công trình để xử lý kịp thời các hư hỏng, vi phạm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
THOẠI PHƯƠNG