(BDO) Ngày 13-1, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Dầu Một về việc lãnh đạo thực hiện các công trình văn hóa - xã hội trên địa bàn thành phố. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Đông, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một; bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND thành phố.
Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc Chiến
Trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển TP.Thủ Dầu Một thành đô thị loại I và nâng cao chất lượng đô thị, thành phố luôn quan tâm đầu tư các công trình văn hóa - xã hội đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân từ nguồn lực ngân sách đến xã hội hóa (XHH).
Thành phố đã chuyển mục đích sử dụng các quỹ đất công trên địa bàn để xây dựng 98 công viên, hoa viên với diện tích trên 144.000m2, tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách 71,77 tỷ đồng và kinh phí XHH khoảng 700 triệu đồng. Sau khi xây dựng, thành phố tiếp tục vận động nguồn lực XHH để trang bị các dụng cụ tập thể dục, ghế đá, trồng cây xanh, lắp đặt thêm tượng điêu khắc... với kinh phí ước tính 7,6 tỷ đồng. Trong các dịp Tết Nguyên đán, cùng với sự đầu tư từ ngân sách, thành phố đã vận động XHH trang trí đường phố các trục đường chính với tổng kinh phí gần 20,4 tỷ đồng. Toàn thành phố hiện có 6 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng được đầu từ từ ngân sách Nhà nước phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và nhu cầu học tập của đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn.
Trên lĩnh vực thể thao, các cơ sở thể thao ngoài công lập ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng. Toàn thành phố hiện có 37 sân bóng mini, 10 sân cầu lông, 2 sân tennis, 4 hồ bơi… với mức đầu tư trên 90 tỷ đồng, đã tạo nên sự đa dạng trong lĩnh vực giải trí, thể thao của thành phố. Trên lĩnh vực du lịch, thành phố hiện đang triển khai các nội dung chi tiết của Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với dịch vụ du lịch. Thành phố cũng đang xúc tiến các thủ tục để tiếp nhận công viên văn hóa Thủ Dầu Một theo chủ trương của UBND tỉnh.
Trên lĩnh vực giáo dục, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, thành phố quan tâm đầu tư và đưa vào sử dụng các công trình trường học mới, khang trang, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục - đào tạo cũng như nhu cầu tăng dân số cơ học của quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân địa phương.
Đối với lĩnh vực y tế, trên địa bàn thành phố hiện có 5 bệnh viện ngoài công lập, 10 phòng khám đa khoa, 182 phòng khám chuyên khoa và 46 cơ sở dịch vụ y tế. Cùng với y tế công lập, các đơn vị y tế này đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các công trình văn hóa - xã hội trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một đã xin ý kiến tỉnh về chủ trương đầu tư xây dựng Công viên Mũi Tàu tại khu vực Phòng Cảnh sát Phòng chống ma túy (phường Hiệp Thành), mở rộng trường tạo nguồn THCS Chu Văn An, sử dụng một phần diện tích Bệnh viện Đa khoa tỉnh (sau khi tiếp nhận cơ sở mới) để chuyển Trung tâm Y tế thành phố đến đây…
Qua ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam đánh giá, TP.Thủ Dầu Một có nhiều điểm sáng trong thực hiện các công trình văn hóa - xã hội, tuy nhiên so với tốc độ phát triển thì hạ tầng văn hóa - xã hội vẫn chưa tương xứng. Ông đề nghị thành phố cần tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này, đặc biệt lưu ý đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc liên quan để sớm triển khai dự án xây dựng Khu tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại khu vực chùa Hội Khánh (phường Phú Cường); quy hoạch chợ Thủ Dầu Một theo hướng phục vụ phát triển du lịch và tiếp nhận công viên Thủ Dầu Một. Bên cạnh đó, thành phố cần tính toán khi quy hoạch các công trình văn hóa - xã hội vừa bảo đảm tính khoa học, vừa có tính kế thừa lâu dài cũng như bảo đảm tính pháp lý của các công trình. TP. Thủ Dầu Một là bộ mặt, là trung tâm chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, vì thế phải quan tâm đầu tư xây dựng bộ mặt thành phố xứng tầm.
Ông cũng đề nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục phát huy sự năng động trong lãnh đạo thực hiện các công trình văn hóa - xã hội; các sở, ngành liên quan cũng phải tập trung trách nhiệm nhằm góp phần xây dựng thành phố - bộ mặt của tỉnh ngày càng đẹp hơn.
Tin, ảnh: Hồng Thuận