Tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính

Cập nhật: 13-09-2010 | 00:00:00

 - Xin ông cho biết tóm tắt về lịch sử hình thành và những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành TAND tỉnh Bình Dương?

- TAND tỉnh Bình Dương tiền thân là Tòa án Quân sự tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập từ năm 1947; đến năm 1950 Tòa án Quân sự này đổi tên thành TAND Thủ Dầu Một, theo sự chỉ đạo cải cách tư pháp của Chính phủ. Trải qua một thời gian dài phát triển, ngành tòa án tiếp tục có những thay đổi cho phù hợp với tình hình. Khi đất nước được giải phóng, ngày 26-3-1976 Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập TAND tỉnh Sông Bé. Từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997 đến nay, hòa nhập cùng sự phát triển của tỉnh nhà, trải qua 13 năm phát triển, TAND tỉnh Bình Dương đã từng bước củng cố đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-QN/TW ngày 2-6-2005, của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã lần lượt ban hành các kế hoạch 01, 02, 03, 04 tập trung cải cách trên 3 phương diện: Tổ chức cán bộ; chuyên môn nghiệp vụ; cơ sở vật chất. Đến nay, TAND đã có 5 tòa, 3 phòng và 7 TAND cấp huyện, thị trực thuộc. Trong 9 tháng đầu năm 2010, toàn ngành đã giải quyết 5.393 vụ án các loại. Tính từ năm 1997 cho đến nay, ngành tòa án Bình Dương đã giải quyết hơn 56.000 vụ án các loại, đạt tỷ lệ chung là 96%. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành TAND đã không ngừng lớn mạnh, đội ngũ cán bộ không ngừng bổ sung về số lượng và ngày càng hoàn thiện về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ qua các thời kỳ phát triển của địa phương. Với những cố gắng đó, trong 13 năm qua TAND tỉnh Bình Dương đã được Trung ương và địa phương tặng thưởng nhiều bằng khen, huân, huy chương...; đã có 3 tập thể và 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 3 tập thể và 4 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... và nhiều bằng khen khác...

- Bên cạnh những thành tích đạt được rất đáng trân trọng thì ngành TAND vẫn đang còn một số vấn đề liên quan đến công tác xét xử như: chất lượng xét xử chưa đồng đều, án bị hủy, sửa thi thoảng còn xảy ra. Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên và biện pháp khắc phục?

- Trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn ngành giải quyết 3.338 vụ án các loại, có 287 vụ án bị kháng cáo, 2 vụ án bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và 12 vụ bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tỷ lệ kháng cáo chiếm 8,61%; tỷ lệ kháng nghị chiếm 0,41% trên tổng số án đã giải quyết. Nhận kết quả phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm 336 vụ, trong đó hủy án 72 vụ, chiếm tỷ lệ 2,15%; sửa án 92 vụ, chiếm tỷ lệ 2,75%. Nguyên nhân dẫn đến án bị hủy, sửa là do đương sự rút kháng cáo hoặc thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo... Ngoài ra, do số lượng án tăng trong khi biên chế chưa kịp bổ sung, lực lượng thẩm phán thiếu, tính chất vụ án ngày càng phức tạp; do trình độ, năng lực của một số ít thẩm phán còn hạn chế ở một số lĩnh vực nên còn lúng túng khi gặp phải các vụ tranh chấp mới, chưa cập nhật kiến thức pháp luật kịp thời nên dẫn đến sai sót. Để hạn chế mức thấp nhất số lượng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, ngành tòa án Bình Dương đang thực hiện một số việc: Tổ chức thi tuyển công chức, tiến hành thủ tục bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán kịp thời để có đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ; cử cán bộ tập huấn theo yêu cầu của TAND tối cao để cập nhật kiến thức pháp luật; lãnh đạo từng đơn vị tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với số thẩm phán có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Đối với các bản án bị cấp giám đốc thẩm hủy do lỗi chủ quan, các thẩm phán đều phải có báo cáo giải trình nguyên nhân dẫn đến án bị hủy cho Ủy ban thẩm phán.

- Thưa ông! Cùng với nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08 và 49 của Bộ Chính trị thì công tác cải cách hành chính đang được ngành TAND tỉnh Bình Dương thực hiện như thế nào?

- Tôi cho rằng, tòa án là cơ quan phải giải quyết nhiều thủ tục hành chính với nhân dân; do đó cải cách tư pháp và cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng đang được TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện. Hiện nay, TAND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện trong toàn ngành quy chế tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, quy định đối tượng, trình tự, thẩm quyền của tòa án từng cấp. Ngoài việc bố trí lịch tiếp dân hàng tuần, lãnh đạo Tòa án tỉnh còn tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại và người bị khiếu nại; đồng thời trực tiếp giải quyết khiếu nại của người dân. Đối với số vụ việc chưa rõ ràng, lãnh đạo Tòa án tỉnh trực tiếp hoặc cử cán bộ đến tận nơi xảy ra sự việc để xác minh, thẩm định cụ thể. Đơn thư khiếu nại, tố cáo đều được vào sổ theo dõi, giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý, đúng luật, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, bức xúc kéo dài. Ở cấp huyện, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại cũng được thực hiện vào nề nếp, chặt chẽ... Nhìn chung trong thời gian qua, nhờ chú trọng công tác cải cách hành chính nên ngành tòa án đang ngày càng tăng thêm lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Nhìn lại chặng đường trưởng thành của ngành tòa án Bình Dương, mặc dù trước tình hình số lượng án ngày càng phức tạp, tăng cao, phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức... song nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của ngành và địa phương... nên trong 13 năm qua, toàn ngành TAND tỉnh đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

- Xin cảm ơn ông!

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên