Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai

Cập nhật: 22-11-2023 | 08:15:43

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được, nêu những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 Lãnh đạo UBND tỉnh cùng ngành nông nghiệp và các địa phương liên quan khảo sát các công trình nhằm PCTT có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh

Chủ động phòng chống

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Dương, trong năm 2023, công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Cụ thể, tỉnh đã thực hiện kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên ban chỉ huy các cấp; xây dựng các kế hoạch, phương án, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành kịp thời. Các dự án đầu tư, duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình trọng điểm về phòng, chống ngập lụt, ngăn triều, sạt lở… đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng; các công trình thủy lợi, đê điều, hồ chứa hoạt động an toàn, trong năm không xảy ra sự cố công trình...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống. Ngoài ra, công tác kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp được Chủ tịch UBND các cấp chủ động, chỉ đạo triển khai thực hiện theo Nghị định số 66 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCTT và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều.

Đáng chú ý, về công tác dự báo, cảnh báo, trong năm qua, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN đã thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên địa bàn tỉnh; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao nhận thức

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm đến công tác PCTT và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Nhờ làm tốt công tác PCTT, Bình Dương đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Từ đầu năm đến ngày 13-11-2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 thiên tai, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng.

Trong năm 2023, các nhiệm vụ PCTT của tỉnh được triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ và hiệu quả theo kế hoạch. Các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã tổ chức vận hành, điều tiết nước hợp lý, bảo đảm cấp đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp; xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Về chiến lược, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai, đến nay tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch thực hiện chương trình tổng thể PCTT quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các kế hoạch tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định, chính sách trong lĩnh vực PCTT, nâng cao nhận thức PCTT trong cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT cho lực lượng làm nhiệm vụ, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; hoàn thiện các kế hoạch, phương án trên cơ sở bám sát thực tế để triển khai hiệu quả, đồng bộ; đầu tư, nâng cấp nâng cao năng lực thiết kế, khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu các công trình hạ tầng PCTT trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT xem xét có ý kiến với các bộ, ngành liên quan một số nội dung. Theo đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ PCTT-TKCN, cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ PCTT, cán bộ chuyên trách, không chuyên trách; sớm phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập thủy điện Trị An và hồ thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 27 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và chuyển giao cho địa phương, các chủ đập để xây dựng phương án ứng phó các tình huống khẩn cấp; lập quy hoạch đê điều, phòng lũ sông Sài Gòn, Đồng Nai, quy hoạch PCTT khu vực Đông Nam bộ làm cơ sở cho địa phương xây dựng các phương án phát triển hệ thống đê điều, thủy lợi tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cấp trang thiết bị phục vụ công tác PCTT-TKCN cho địa phương từ nguồn dự trữ Nhà nước nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu trang thiết bị cho lực lượng tham gia ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2021/NĐ-CP để khắc phục các hạn chế, tồn tại thời gian qua.

 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch tập trung thực hiện hoàn thiện các văn bản về cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền các cấp và tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

 THOẠI PHƯƠNG - HƯƠNG THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=769
Quay lên trên