Tìm hướng phát triển cho công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 21-05-2011 | 00:00:00

 Bài 2:  Thực trạng ngành CNHT dệt may và giày da

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dệt may và giày da được xác định là 2 trong 5 nhóm ngành CNHT chủ lực trong chiến lược phát triển CNHT của Bình Dương từ nay đến năm 2020. Mặc dù 2 ngành này quy tụ một số lượng đông đảo các doanh nghiệp (DN) sản xuất, luôn chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất khẩu nhưng lại đang bộc lộ những bất cập...

 

Cung chưa đáp ứng được cầu

Ngành CNHT dệt may bao gồm công nghiệp dệt, sản xuất sợi, chỉ may, tẩy, nhuộm, khuy nút và công nghiệp cơ khí sản xuất máy may, khuôn mẫu cho ngành dệt, bao bì, hóa chất, in... Những ngành CNHT này thời gian qua cũng có những bước phát triển nhất định. Đơn cử như ngành dệt, đến năm 2009, Bình Dương có khoảng 100 DN, ngoài ra cũng có khoảng 30 DN hoạt động trong ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may khác. Tuy nhiên, tại Bình Dương cũng mới chỉ có một DN sản xuất máy may. Lao động toàn ngành CNHT dệt may chiếm 14% tổng lao động chung của ngành dệt may và chiếm 39,4% tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Tuy vậy, đánh giá về trình độ sản xuất CNHT dệt may, nhóm nghiên cứu đề án phát triển CNHT cho rằng, chỉ có 5,83% máy móc tiên tiến, 67,5% trung bình và 26,67% lạc hậu. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của CNHT dệt may. Mặt khác, với quy mô, trình độ còn hạn chế của CNHT dệt may, việc cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho ngành dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, hầu hết các DN may mặc phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với ngành CNHT giày da. Các ngành sản xuất thuộc da, sản xuất nguyên phụ liệu, sản xuất da đã thuộc tại Bình Dương còn non trẻ và hạn chế. Hiện mới chỉ có  40 DN sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành giày da, 7 DN sản xuất da đã thuộc, các ngành khác chỉ có từ 1 - 2 DN; trình độ sản xuất trung bình và lạc hậu. Trong bối cảnh nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành giày da rất lớn nhưng thị trường tiêu thụ của CNHT giày da lại chủ yếu là thị trường nước ngoài, trong khi đó các DN sản xuất trong nước lại phải đi nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Điều đó cho thấy mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh chưa rõ nét, cung chưa đáp ứng được nhu cầu.

Từ thực trạng trên cho thấy, để ngành dệt may và giày da của Bình Dương phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, cần phải thúc đẩy mạnh mẽ các ngành CNHT cho 2 ngày này.

Sẽ là trung tâm CNHT dệt may, giày da

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2006-2020 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương đến năm 2020, ngành công nghiệp dệt may và giày da sẽ chiếm tỷ trọng thấp dần đi trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, CNHT dệt may và giày da sẽ đóng vai trò quan trọng, không chỉ đối với Bình Dương mà đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước. Hiện Chính phủ đã quy hoạch phát triển Bình Dương thành trung tâm sản xuất CNHT ngành dệt may và giày da của cả nước.

Đối với CNHT dệt may sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất sợi, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt; công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị cơ khí phục vụ dệt may, phát triển công nghiệp dệt vải, nguyên phụ liệu ngành may, đồng thời hạn chế các ngành nhuộm gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2020, khả năng cung cấp nguyên phụ liệu của CNHT dệt may sẽ đạt trên 50%, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Đối với ngành CNHT giày da, sẽ tập trung phát triển các loại vải dệt sản xuất giày dép, nguyên phụ liệu da, thiết kế mẫu mã, cơ khí phục vụ công nghiệp giày da và thuộc da có trình độ công nghệ tiên tiến, không nguy hại đến môi trường. Giai đoạn 2016-2020, CNHT giày da sẽ bảo đảm đáp ứng nguyên phụ liệu cho thị trường nội địa...

Trong định hướng phát triển CNHT dệt may và giày da, các chuyên gia thực hiện đề án cũng xác định rõ không gian, vùng lãnh thổ, nhằm bảo đảm quy hoạch phát triển đô thị và môi trường. Theo đó, sẽ không hình thành các khu CNHT tại các thị xã, đồng thời khuyến nghị sự cần thiết phải đưa các nhà máy sản xuất sản phẩm CNHT vào trong các khu công nghiệp hiện hữu.

Đề án nghiên cứu định hướng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 đã xác định tập trung phát triển 5 nhóm ngành công  nghiệp hỗ trợ bao gồm công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học và chế biến gỗ.

THÀNH SƠN

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=242
Quay lên trên