Tình người nơi xóm trọ

Cập nhật: 27-08-2015 | 08:31:26

Nhiều người tạm trú ở các khu nhà trọ xem nơi này như một mái nhà chung để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhiều chủ nhà trọ, chính quyền địa phương có những cách làm hay để “kéo” những người ở trọ xích lại gần nhau hơn.

 “Đôi khi tuyên truyền pháp luật đến người ở trọ thông qua những buổi trà nước tại khu trọ thường đạt hiệu quả cao”, ông Nguyễn Kiên Cường (bìa trái), Chủ nhiệm CLB Chủ nhà trọ phường Bình Hòa cho biết. Ảnh: T.QUANG

Mái nhà chung

Từ nhiều miền quê, những người đến Bình Dương thuê trọ sống với nhiều tập tục văn hóa, ứng xử khác nhau nhưng họ đã sống chan hòa, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Để thuận tiện trong việc quản lý, thời gian qua, không ít chủ trọ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sinh hoạt định kỳ tại khu nhà trọ. Đối với khu nhà trọ được chủ tổ chức sinh hoạt định kỳ như thế, những người ở trọ luôn sống với nhau bằng chữ tình, tối lửa tắt đèn có nhau, cùng bảo vệ tài sản cho nhau.

Đến khu nhà trọ có gần 30 phòng của ông Hồ Văn Định (KP.Bình Đức 1, phường Bình Hòa, TX.Thuận An), chúng tôi được nhiều người ở trọ tại đây cho biết, thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ đã giúp họ hiểu nhau hơn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Kim Nhung (27 tuổi, quê Kiên Giang) chia sẻ: “Bình Dương là điểm đến của nhiều người ở nhiều vùng quê khác nhau trong cả nước. Riêng trong khu phòng trọ tôi đang ở có nhiều người ở nhiều địa phương khác đến thuê trọ. Tuy mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, có nếp sống riêng, tính cách riêng nhưng chúng tôi đã hòa đồng và sẵn sàng chia sẻ cho nhau những lúc khó khăn”.

Tương tự, anh Nguyễn Huy Na (25 tuổi, quê Quảng Nam) đang tạm trú tại KP.An Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát, cho biết: “Khu trọ mà tôi đang sống tập hợp nhiều thành phần trong xã hội nhưng chúng tôi xem khu trọ là ngôi nhà chung. Sống xa nhà nên chúng tôi thường chia sẻ khó khăn trong cuộc sống và học tập lẫn nhau trong cách ứng xử. Vì thế, chúng tôi có thêm kiến thức văn hóa của nhiều vùng miền”.

Theo anh Na, để có kinh phí duy trì được buổi sinh hoạt, thời gian qua, chủ nhà trọ đứng ra thu 15.000 đồng/người/tháng. Số tiền này được dùng vào việc thăm hỏi những người trong khu trọ không may bị ốm hoặc khó khăn đột xuất. Mặc dù không bà con thân thích nhưng những người ở trọ luôn xem nhau như người trong nhà.

Tối lửa tắt đèn có nhau

Ở nhiều khu nhà trọ, khi có người ở trọ đau ốm hay bị tai nạn mà gặp khó khăn, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) chủ nhà trọ ở địa phương đó liền đứng ra tổ chức quyên góp giúp đỡ họ vượt qua khó khăn. Trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều trường hợp có hoàn cảnh thương tâm đã được người ở trọ hỗ trợ về vật chất để vượt qua bạo bệnh. Đơn cử, giữa năm 2014, anh Nguyễn Thế N. (quê An Giang) không may bị tai nạn tử vong nhưng gia đình không đủ điều kiện đưa về quê an táng. Biết tin, Ban chủ nhiệm CLB Chủ nhà trọ KP.4 phường An Phú, TX.Thuận An cùng Ban điều hành khu phố đã tổ chức quyên góp giúp đỡ cho gia đình nạn nhân được gần 40 triệu đồng giúp lo hậu sự cho anh. Chị Nguyễn Thị Hương Giang, đang ở trọ tại KP.4, phường An Phú, cho biết: “Trên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, một miếng khi đói bằng gói khi no, thời gian qua, chúng tôi đã giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Ngoài trường hợp của anh N., nhiều năm qua, chúng tôi đã động viên cùng nhau hỗ trợ cho những người đến ở trọ xảy ra việc ốm đau, tai nạn đang gặp phải khó khăn. Những ngày cuối năm, chúng tôi góp tiền mua quà tặng cho những người không có điều kiện về quê ăn tết. Khi có cán bộ đi quyên góp ủng hộ cho ai đó đang gặp khó khăn thì mọi người trong khu trọ luôn hưởng ứng”.

Trung tá Lê Ngọc Thủy, Trưởng Công an phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết địa bàn phường có nhiều khu trọ “kiểu mẫu”, trong đó khu trọ của bà Trần Thị Thanh Hương ở tổ 16 được xem là điển hình về việc bảo đảm an ninh trật tự và sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người ở trọ.

Đến thăm khu nhà trọ này, chúng tôi được nghe những người tạm trú tại đây kể về những việc làm tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua khó khăn. Đơn cử, giữa năm 2015, ông Nguyễn Tiến Đ. (quê Bình Phước), tạm trú tại đây lâm bệnh và gặp nhiều khó khăn. Nhiều người trong khu trọ đã thay phiên nhau chăm sóc cho ông. Bà Trần Thị Thanh Hương cho biết: “Là chủ một khu trọ có gần 50 phòng, để gần 200 người từ nhiều miền quê sống hòa đồng, xem nhau như người một nhà thì bản thân tôi phải là người sống gương mẫu, xem người ở trọ như mỗi thành viên trong một gia đình. Từ đó, mọi người sẽ gần gũi, chia sẻ cho nhau trong lúc khó khăn”.

Bà Hương cho biết thêm, nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong khu trọ, nhiều năm nay, ngoài việc duy trì các buổi sinh hoạt định kỳ, khu nhà trọ của bà đã duy trì được mô hình “Hủ gạo tình thương”. Hàng tháng, một phòng trọ tự góp quỹ “Hủ gạo tình thương” là 10.000 đồng. Số tiền này được mua gạo và thực phẩm, đến cuối tháng thì tổ chức bốc thăm để nhận gạo. Ông Đặng Văn Hồ, đang tạm trú tại đây nói: “Hủ gạo tình thương ở khu trọ đã giúp chúng tôi tiết kiệm được trong cuộc sống. Quan trọng hơn, thông qua hoạt động này đã giúp chúng tôi thể hiện được tinh thần đoàn kết trong khu nhà trọ”.

 Ông Nguyễn Kiên Cường, Chủ nhiệm CLB Chủ nhà trọ phường Bình Hòa, TX.Thuận An, cho biết: “Địa phương hiện có 9 CLB chủ nhà trọ, có gần 3.000 cơ sở trọ, giải quyết trên 100.000 người đến thuê trọ. Thời gian qua, 9 CLB hoạt động rất tốt trong công tác tuyên truyền pháp luật đến người ở trọ thông qua những buổi sinh hoạt ở các khu phòng trọ. Đáng nói là nhiều cơ sở trọ đã xây dựng được quỹ tình thương, giúp đỡ nhiều người đến tạm trú gặp khó khăn trong cuộc sống”.

 
THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=495
Quay lên trên