Anh ngồi trước máy vi tính, 10 ngón tay thoăn thoắt lướt trên bàn phím. Thoạt nhìn, tôi cứ ngờ ngợ đó không phải người mà mình đã điện thoại hẹn trước. Chỉ đến khi Phó Chủ tịch Hội Người mù TX.Thuận An giới thiệu, tôi mới lên tiếng chào anh và bắt đầu câu chuyện…
Anh Tùng (trái) đang trao đổi công việc với Phó Chủ tịch Hội Người mù TX.Thuận An
Cái ngày định mệnh
Anh tên là Hồ Thanh Tùng, hiện là Chủ tịch Hội người mù TX.Thuận An. Từ khi sinh ra đến khi lớn lên, đi học đại học anh là một người sáng mắt bình thường, nhưng rồi cái ngày định mệnh kia đã ập đến và cướp đi nguồn sáng đôi mắt anh. Nhớ lại cái ngày định mệnh đó, anh Tùng không khỏi bùi ngùi.
Anh Tùng là con út trong một gia đình có đến 6 người con. Những tháng ngày tuổi thơ của anh trôi qua hồn nhiên và rất đỗi bình yên bên cạnh người thân. Học xong cấp 3, anh thi đậu vào trường Đại học An ninh (ở Hà Nội). Ra trường, niềm vui càng nhân lên khi anh được nhận vào làm ở phòng bảo vệ nội bộ, Sở Công an tỉnh. Trong một lần đi công tác, anh bị tai nạn giao thông. Tỉnh dậy, anh mới biết mình đang cấp cứu trong bệnh viện. Đó là cái ngày mà nỗi buồn đau xâm lấn tâm hồn chàng trai trẻ này. Đặc biệt, khi hay tin đôi mắt của mình sẽ mất đi ánh sáng, anh càng thấy mất phương hướng nhiều hơn.
Kể về những ngày đầu làm quen với những bước đi trong bóng tối, vẻ u buồn hiện lên gương mặt anh. Anh kể: “Lúc đó mình chán nản lắm. Tuổi trẻ mới lớn lên, được học hành đàng hoàng, ra trường lại có việc làm ổn định, tương lai phía trước vô cùng rộng mở. Vậy mà, tai họa ở đâu ập đến giăng mây đen che kín tương lai mình. Sau khi bị tai nạn, bước chân chưa quen, đi đâu đụng đó nên mình rất sợ mỗi khi bước chân đi. Mọi sinh hoạt cá nhân bị đảo lộn, nhiều cái phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân. Chán nhất là nghĩ đến tương lai của mình sau này. Ba mẹ dù có thương yêu mình bao nhiêu nhưng cũng sẽ già yếu, đâu sống mãi để lo cho mình được. Mình thấy tương lai phía trước sao mờ mịt quá, nên tâm lý rất bực bội và buồn chán…”.
Vững bước vì luôn có tình yêu bên cạnh
Anh kể rằng, vợ anh bây giờ là cái duyên anh kết được từ hồi còn ngồi trên giảng đường đại học. Đó là vào năm thứ tư đại học, anh làm đề tài thi tốt nghiệp về chống mất mủ cao su. Nơi anh đến lấy thông tin tư liệu để thực hiện đề tài là một công ty cao su. Tại đây, anh đã quen với chị Nguyễn Thị Kim Loan. Như là cái duyên tiền định, dù tình cảm giữa 2 người chưa hẳn là tình yêu, nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Sau khi ra trường rồi đi làm, lâu lâu anh lại chạy xe lên Bình Phước thăm chị.
Là Chủ tịch Hội Người mù TX.Thuận An, anh Tùng đã tranh thủ mọi nguồn vốn để tạo việc làm cho hội viên
Rồi anh bị tai nạn giao thông phải nằm điều trị hàng tháng trời trong bệnh viện. Ba mẹ, anh chị em đều dành cho anh rất nhiều tình cảm. Bạn bè đồng nghiệp cũng lui tới thăm anh thường xuyên nhưng nỗi buồn, thiếu tự tin trong cuộc sống vẫn luôn hiện diện trên gương mặt, trong suy nghĩ của anh. Trong lúc thất vọng, buồn đau như thế, chị Loan đã xuất hiện và mang hơi ấm sưởi ấm trái tim anh. Trong thời gian anh nằm điều trị tại bệnh viện, chị Loan thường xuyên lui tới thăm hỏi. Những lúc bận công việc không đến thăm anh được, chị lại gọi điện thoại động viên anh về mặt tinh thần. Anh thấy mình được ai ủi, chia bớt nỗi đau phần nào. Và tình yêu giữa anh, chị bắt đầu khi nào cũng không ai hay.
Biết chị Loan đã dành tình cảm sâu đậm cho anh, một số người thân của chị đã có ý can ngăn vì sợ chị sẽ phải thiệt thòi. Anh cũng nhiều lần khuyên chị nên tìm một người đàn ông sáng mắt để làm trụ cột, nhưng khó làm sao vì trái tim của chị đã trao cho anh rồi. Tình yêu ấy thực sự kết trái bằng một lễ cưới được tổ chức vào năm 1991. “Cô ấy đã yêu anh bằng tấm lòng chân thành thì anh cũng phải cố gắng hơn để đáp lại. Chịu lấy một người mù như mình là một thiệt thòi cho cô ấy, nên mình càng phải trân trọng tình yêu đẹp đó…”, anh Tùng nói.
Quãng đường từ nhà đến nơi anh Tùng làm việc dài khoảng 2,5km. Không chỉ là người bạn đời song hành bên cạnh cuộc đời anh, chị Loan còn là người bạn đồng hành phía trước của anh. Dù bước chân đã mạnh dạn hơn, nhưng đoạn đường phía trước của anh vẫn còn nhiều chông chênh. Chị Loan chính là ánh sáng soi đường để mỗi bước chân anh thêm vững vàng. Hàng ngày, chị là người đưa, đón anh đi làm trên chiếc xe máy mà vợ chồng anh đã dành dụm trong một thời gian dài mới mua được. Đưa anh đi làm xong, chị lại chở con đi học, rồi quay về quán xuyến mọi việc trong gia đình. Anh Tùng chia sẻ: “Đi làm về mình cũng có phụ vợ làm việc nhà, nhưng chỉ những việc lặt vặt thôi, còn những việc nặng nhọc hơn thì chỉ mình vợ lo liệu. Ngoài quán xuyến việc gia đình, vợ mình còn lo cho ba mình rất chu đáo, hiếu thảo…”.
Chiến thắng nghịch cảnh
Tưởng rằng nỗi đau khó có thể phôi pha, nhưng rồi chính tình yêu trong sáng của chị Loan đã giúp anh tìm lại niềm vui cuộc sống. Nụ cười xuất hiện trên gương mặt của anh nhiều hơn.
Nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy mấy tháng trời, sức khỏe đã ổn định nhưng đôi mắt vẫn chưa sáng trở lại. Anh xuất viện và về sống cùng ba mẹ ở phường An Thạnh, TX.Thuận An. Hy vọng biết đâu ngày nào đó đôi mắt của mình sẽ sáng trở lại, anh tiếp tục chạy chữa khắp nơi, từ trị theo phương pháp đông y, đến ai chỉ cái gì làm theo cái đó. 3 năm ròng rã như thế, nhưng ánh sáng của đôi mắt anh vẫn không trở lại. Biết khó có thể tìm lại ánh sáng, anh thôi không chạy chữa nữa và chấp nhận sống chung với đôi mắt khuyết tật từ đó đến nay.
Ở địa phương, anh được giới thiệu vào sinh hoạt trong Hội Người mù TX.Thuận An. “Ở nhà, dù được quan tâm, yêu thương nhưng mình vẫn thấy lẻ loi, lạc lõng. Vào hội là liều thuốc có tác động mạnh đối với mình. Mình nhận ra, có nhiều người mù còn bị thiệt thòi hơn mình nhiều mặt, nhưng họ vẫn vui sống và vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lao động của mình. Thấy họ, mình mới có đủ quyết tâm để chiến thắng nghịch cảnh…”. Để thực hiện quyết tâm, anh bắt đầu đăng ký đi học chữ nổi dành cho người mù, rồi học nghề bó chổi. “Lúc trước một ngày trôi qua với mình rất dài, mình chỉ biết ăn với ngủ thôi. Nhờ đi học chữ nổi, mình đã đọc được sách báo. Điều này không chỉ xóa tan những suy nghĩ buồn chán luôn hiện diện trong đầu, mà còn giúp mình thấy được chân trời mới bắt đầu mở ra phía trước…”, anh Tùng bộc bạch.
Cuộc sống sinh hoạt đã trở nên bình thường vì anh đã quen dần và thấy mình không còn vô nghĩa. “Cuộc đời dẫn dắt riết rồi mình vào hội làm luôn. Lúc đầu là hội viên, rồi vào Ban Chấp hành hội, Phó Chủ tịch hội và bây giờ là Chủ tịch Hội Người mù TX.Thuận An. Bây giờ đi làm quen rồi, thứ bảy, chủ nhật không làm việc gì thấy cũng buồn…”, anh nói. Năm 2008, Tỉnh hội mở lớp học sử dụng máy vi tính cho người mù, anh đăng ký tham gia. 6 tháng đi đi về về với sự giúp đỡ của vợ, đồng nghiệp, cuối cùng anh cũng hoàn tất khóa học. Bây giờ, ngoài đánh văn bản bằng 10 ngón tay trên bàn phím, anh còn sử dụng máy vi tính để gửi văn bản, lướt web tìm kiếm thông tin rất thành thạo. Nhìn anh thao tác trên máy vi tính, ít ai nghĩ rằng anh là người khiếm thị nếu không có những âm thanh phát ra từ một phần mềm dành cho người mù được cài sẵn trên máy. Thấy tôi thắc mắc, anh cười hiền: “Cái gì cũng phải văn ôn, võ luyện. Máy vi tính cũng vậy, mình sử dụng riết cũng quen tay thôi…”. Càng ngạc nhiên hơn, anh còn sử dụng được máy ảnh để chụp ảnh mang đi tham dự triển lãm ảnh tại Hà Nội do người khiếm thị chụp. Anh nói, đó cũng là kết quả sau một khóa học chụp ảnh dành cho người mù mà anh đã có dịp tham gia trong thời gian qua.
Quả thật, khi con người có tình yêu, có điểm tựa họ sẽ làm được những điều tưởng như bình thường nhưng rất đỗi phi thường. Anh Tùng là một trong những con người như thế. Từ tự ti, mặc cảm đến vững tin bước tiếp là một khoảng thời gian dài, đầy chông chênh nhưng anh đã vượt qua được. Với vợ chồng anh, điều hạnh phúc nhất là 2 đứa con lần lượt ra đời. Bây giờ, đứa con lớn cũng đã tốt nghiệp đại học, có việc làm; đứa con nhỏ đang học lớp 8, cũng là một học sinh ngoan hiền. Cả anh và chị đều cảm thấy rất hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ nhưng luôn được sưởi ấm bởi tình yêu này.
• HỒNG THUẬN