Tổ chức hợp tác Thượng Hải và tương lai của Kyrgyzstan

Cập nhật: 19-07-2010 | 00:00:00

Trước chiến lược bao vây quân sự của NATO và Mỹ đối với Nga thì việc duy trì một chế độ trung lập tại Kyrgyzstan sẽ giữ vai trò chính trong việc ổn định những khu vực xung quanh nước Nga. Nếu như Nga dùng cả sức mạnh quân sự, kinh tế và mối quan hệ truyền thống để thiết lập sự hiện diện tại Kyrgyzstan thì Trung Quốc, với vũ khí duy nhất là sức mạnh kinh tế, đã có thể hóa giải những tác động gây bất ổn từ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực Trung Á.

 

Kinh tế là sức mạnh

 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng hoa Tulip năm 2005 tại Kyrgyzstan, theo giới phân tích, là do sự tăng cường hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Bishkek, điều mà Washington không hề mong muốn. Đây có lẽ là lý do chính khiến Mỹ quyết định "hất cẳng" ông Askar Akaiev sau gần một thập niên nâng đỡ. Tháng 6/2001, Trung Quốc, Nga, Uzbékistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan đã ký hiệp ước khai sinh ra Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ba ngày sau đó, Trung Quốc chính thức chấp nhận một khoản vay lớn cho Kyrgyzstan để nước này mua thiết bị quân sự.

  Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) và cựu Thủ tướng Kyrgyzstan Igor V. Chudinov tại phiên khai mạc Hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải ở Bắc Kinh ngày 14-10-2009.Sau sự kiện 11-9-2001, Lầu Năm Góc khởi xướng sự thay đổi quân sự lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Mục tiêu của chiến lược mới là thiết lập sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ dọc bờ biển Địa Trung Hải, châu Phi, Trung Đông, vùng Kavkaz, Trung và Nam Á.

Thời đó, chính ông Akaiev là người đã đề xuất cho Mỹ thiết lập căn cứ quân sự lớn nhất khu vực tại Kyrgyzstan, căn cứ Manas. Trung Quốc, do có đường biên giới với Kyrgyzstan rất dài, đã ngay lập tức lên tiếng báo động, phối hợp cùng Nga, gây tác động để Tổ chức Hợp tác Thượng Hải phản đối và kêu gọi Mỹ rút quân khỏi căn cứ Manas.

 

Để trấn an “người cùng hội” chính quyền Akaiev đã chấp thuận thiết lập một chính sách ngoại giao mang tên “Con đường tơ lụa” do Bắc Kinh đề xuất nhằm tăng cường hợp tác kinh tế. Chính quyết định này của ông Akaiev đã khiến Washington thất vọng vì với Mỹ thì Trung Quốc là một trở ngại cho chương trình mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Á của Mỹ.

 

Tờ Wall Street Journal tóm tắt quan điểm của Mỹ về vấn đề này như sau: Do có đến 1.100km đường biên giới giữa Trung Quốc và Kyrgyzstan, trong khi sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Uzbékistan và Tajikistan là đáng kể, thì sự sụp đổ của chính quyền Kyrgyzstan thân Bắc Kinh sẽ là một chiến công lớn đối với chính sách bao vây của Mỹ.

 

Kể từ thời điểm đó, Washington bắt đầu vung tiền thông qua các tổ chức bí mật như National Endowment for Democracy, Albert Einstein Institution, Freedom House và IMF để lật đổ chế độ Akaiev qua cuộc Cách mạng hoa Tulip năm 2005.

 

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc hiện là quốc gia quan tâm nhiều nhất tới tương lai chính trị của Kyrgyzstan. Đường biên giới giữa Kyrgyzstan và Trung Quốc chạy dài suốt tỉnh nhạy cảm Tân Cương. Chính trong tỉnh này vào tháng 7-2009 đã xảy ra các cuộc bạo động do những người Duy Ngô Nhĩ tiến hành và được nâng đỡ bởi Đại hội Đại biểu Duy Ngô Nhĩ thế giới, một tổ chức do Mỹ tài trợ và điều khiển bởi bà Rebiya Kadeer và tổ chức National Endowment for Democracy.

 

Cũng tiếp giáp với khu vực Tây Tạng, Tân Cương là nơi trung chuyển quan trọng của hệ thống đường ống dẫn năng lượng từ Kazakhstan và Nga sang Trung Quốc. Tân Cương cũng là nơi được đánh giá có trữ lượng dầu mỏ lớn, rất cần thiết cho nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.

 

Như vậy, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Kyrgyzstan có những tác động to lớn tới an ninh quốc gia Trung Quốc. Với các tổ chức tình báo Mỹ và với Lầu Năm Góc, đây là một vùng đất lý tưởng để tiến hành những chiến dịch bí mật gây mất ổn định tại Tân Cương. Việc đi lại dễ dàng giữa tỉnh này với Kyrgyzstan tạo điều kiện lý tưởng cho các hoạt động tình báo và chống phá.

 

Theo cựu Đại sứ Ấn Độ, K. Gajendra Singh, hiện đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu chính sách Ấn Độ - Thổ Nhĩ Kỳ tại New Delhi, thì chính quyền Bakiev, khi chấp nhận cho lực lượng quân sự Mỹ sử dụng căn cứ Manas và những thiết bị điện tử công nghệ cao khác đã giúp cho Mỹ giám sát các cơ sở quân sự và những trung tâm phóng tên lửa chính của Trung Quốc tại Tân Cương.

 

Mới được Lầu Năm Góc thành lập với nhiệm vụ chính thức là cung cấp cho những khu vực chiến sự tại Afghanistan, mạng lưới phân phối phía bắc (NDN, Northern Distribution Network) lại đang làm cho Bắc Kinh thêm đau đầu trước những hoạt động của Mỹ tại Kyrgyzstan. NDN có mặt ở cả Tajikistan, Uzbékistan và Kyrgyzstan.

 

Nhiều nước trong Tổ chức Phát triển Thượng Hải nghi ngờ Lầu Năm Góc muốn sử dụng mạng lưới này để điều khiển những cuộc tấn công cùng lúc của các nhóm nhỏ cực đoan như Phong trào Hồi giáo Uzbékistan, Liên minh Thánh chiến Hồi giáo hay phong trào bí mật Hizb ut-Tahir, tất cả đều đồn trú tại thung lũng Ferghana, Kyrgyzstan.

 

Không hoàn toàn thụ động trước những diễn biến tại Kyrgyzstan, Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng lá bài kinh tế để thiết lập quan hệ hữu hảo với bất kỳ chính phủ nào tại Kyrgyzstan.

 

Tháng 6-2009, tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Ekaterinbourg, Nga, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hứa dành một quỹ trị giá 10 tỉ USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên Trung Á trong tổ chức này: Kazakhstan, Tajikistan, Uzbékistan và Kyrgyzstan. Trong một phát biểu gần đây, phát ngôn viên Quốc hội lâm thời, Omourbek Tekebaiev, đã khẳng định với truyền thông Nga rằng, Kyrgyzstan coi Trung Quốc như là một trong những đồng minh chiến lược: "Chính sách ngoại giao của chúng tôi sẽ thay đổi... Nga, Kazakhstan và những quốc gia láng giềng khác, bao gồm cả Trung Quốc, vẫn là những đối tác chiến lược của chúng tôi".

 

Hiện có một dự án mà đối tác chiến lược Trung Quốc đang hối hả thúc giục nhà cầm quyền Bishkek hợp tác. Đó là việc Bắc Kinh thông báo xây dựng một tuyến đường sắt khổng lồ chạy xuyên qua lục địa Á - Âu. Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc mới đây tiết lộ đây là dự án tham vọng nhất thế giới. Đi xuyên qua Kyrgyzstan, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ nối từ Tân Cương sang Đức và thậm chí đến London vào năm 2025.

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng 12 tuyến đường cao tốc mới khiến các nền kinh tế của Kyrgyzstan và những quốc gia lân cận ràng buộc vào hệ thống đường sắt trên. Và để thể hiện rõ nét hơn những quan ngại của Trung Quốc trước sự ổn định của các quốc gia láng giềng, mới đây Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động kinh tế tại Afghanistan.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên