Tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi: Gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của Bình Dương

Cập nhật: 04-12-2020 | 08:10:18

Hôm nay (4-12), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh” năm 2020. Đây là sự ghi nhận và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi đã và đang cống hiến trí tuệ, tài năng, sức lực tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo, có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời khôi phục, duy trì, bảo tồn những nét tinh hoa, giá trị của làng nghề, nâng cao uy tín, thương hiệu cho các làng nghề trong quá trình hội nhập.

 Mô hình trồng lan cắt cành của chị Nguyễn Hồng Diệu (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát) mang lại hiệu quả kinh tế cao

 Minh chứng

Bình Dương được biết đến là cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam bộ như sơn mài, chạm trổ điêu khắc, gốm sứ, heo đất, mây tre đan, sản xuất nhang, bánh tráng, guốc... Cùng với đó là các ngành nghề mới như sinh vật cảnh đang ngày càng phát triển. Các ngành nghề đã và đang đem lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn, phát triển ngành nghề, làng nghề truyền thống và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề sinh vật cảnh, ông Lê Văn Ngọc ở phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát đã tạo ra giá trị cao từ cây cảnh. Hiện ông Ngọc có 7ha trồng cây cảnh với nhiều loại như: Thiên tuế, vạn niên tùng, mai chiếu thủy, lộc vừng, kim quýt, linh sam, nguyệt quế, cần thăng và các loại kiểng lá. “Mỗi cây cảnh là một tác phẩm nghệ thuật nên khi tạo dáng cho cây đều thể hiện nét thẩm mỹ cao, sáng tạo cho từng dáng cây, loại cây, chăm chút, nâng niu. “Cây tự nhiên có đẹp nhưng nếu không cắt tỉa, tạo dáng cân đối giữa chiều cao, chiều rộng thì sẽ không thể tôn thêm vẻ đẹp của cây, không thể trở thành một tác phẩm đẹp và quý”, ông bộc bạch. Có thể nói, thời gian tạo dáng, uốn sửa cây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi nghệ nhân phải có lòng đam mê và sự kiên trì. Những cây xù xì thô ráp nhưng qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của ông đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chạm tới trái tim của bao người đam mê.

Khởi nguồn từ sự đam mê, anh Đinh Công Thiệu (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) đã bước chân vào nghề sơn mài. Vì không phải là nghề truyền thống của gia đình nên anh phải học hỏi rất nhiều từ những người có thâm niên trong nghề. Năm 1984 - 1988, anh bắt đầu học nghề tại Tổ hợp Sơn mài Đồng Tâm với nghệ nhân Nguyễn Thị Hòa. Năm 1988 - 1996, anh làm việc tại Hợp tác xã Sơn mài Thống Nhất ở phường Chánh Nghĩa và tiếp tục học hỏi thêm về nghề với nghệ nhân Trần Văn Khiêm, sau đó, anh thành lập cơ sở Sơn mài Đinh Thiệu. Bằng nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê, anh đã phát triển nhiều sản phẩm sơn mài tinh xảo, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Trồng hoa lan không chỉ đơn thuần là đem lại nguồn thu kinh tế mà cũng cần có sự tỉ mỉ, sáng tạo trong tạo dáng cho từng tác phẩm, giò lan, giỏ hoa khi cung ứng ra thị trường. Chị Nguyễn Hồng Diệu ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát chọn và đầu tư mô hình trồng hoa lan và đã thành công với mô hình này. Trên diện tích 1ha, chị đầu tư trồng lan mokara cắt cành với nhiều chủng loại giống và nhiều màu sắc khác nhau, làm phong phú thêm vườn lan của gia đình. Ngoài chủ lực là lan mokara cắt cành, chị còn sưu tầm và trồng thêm nhiều giống lan rừng có giá trị. Đến nay, vườn lan được đầu tư bài bản hệ thống giá đỡ và tưới phun sương, khâu chăm sóc lan ít tốn công sức vì đã được tưới phun tự động. Lan trồng hơn 1 năm cho thu hoạch hoa ổn định và thời gian thu hoạch kéo dài từ 7 - 8 năm. Để thuận tiện hơn trong sản xuất hoa lan, chị tham gia vào Hợp tác xã Hoa lan Hồng Đức để chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên. Trồng hoa lan nhiều năm nay, chị đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất và hơn hết là thỏa mãn được niềm đam mê. Chị là nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều năm nay và đạt nhiều giải về bộ môn hoa phong lan.

Bảo tồn, phát triển

Có thể nói, trong thời gian qua, hoạt động của các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần tăng giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

 Ông Lê Văn Ngọc (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát) bên mô hình cây cảnh bonsai

Nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về tỉnh Bình Dương - những người đang cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho việc khôi phục, gìn giữ và phát triển ngành nghề nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2015/QĐ- UBND ngày 30-9-2015 quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của hội đồng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, “Người có công đưa nghề mới về địa phương” trên địa bàn tỉnh. Việc công nhận tiến hành 3 năm/lần.

Trong năm 2020, hội đồng cũng đã thông qua qua danh sách 31 hồ sơ và tiến hành bỏ phiếu để công nhận danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”. Các danh hiệu công nhận hoạt động trong các ngành nghề gồm: Sinh vật cảnh, hoa quả tạo hình, nuôi cá cảnh, nghề sơn mài, điêu khắc gỗ mỹ nghệ. Kết quả, có 26 hồ sơ được công nhận “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, 4 hồ sơ được công nhận “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”.

Việc xét công nhận các danh hiệu “Nghệ nhân tỉnh Bình Dương”, “Thợ giỏi tỉnh Bình Dương”, người có công đưa nghề mới về địa phương có vai trò quan trọng nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề mới về địa phương; khuyến khích những nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp và thu hút các ngành nghề mới về tỉnh, khôi phục nghề truyền thống bị mai một, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Bà Đặng Như Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết với mục đích khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề nghiệp và thu hút các ngành nghề mới về tỉnh, khôi phục nghề truyền thống đang bị mai một tích cực truyền nghề - dạy nghề cho thế hệ trẻ, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Hoạt động của những nghệ nhân, thợ giỏi góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Đây chính là lực lượng đang góp phần gìn giữ và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề truyền thống, thu hút khách du lịch đến các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định rằng việc gắn bó và tâm huyết với nghệ thuật, được tôn vinh, thừa nhận tay nghề, danh hiệu là động lực để các nghệ nhân tiếp tục sáng tạo, thổi hồn vào từng tác phẩm, góp phần duy trì, phát triển ngành nghề, nhất là gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống của Bình Dương.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=832
Quay lên trên