Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu quan trọng trước người dân Mỹ vào sáng nay (theo giờ Việt Nam), trước sự trỗi dậy mạnh mẽ và đầy nguy hiểm của lực lượng IS.
Tổng thống Obama
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Obama nêu rõ, các mối đe dọa lớn nhất vào thời điểm hiện nay đến từ Trung Đông và Bắc Phi, và một trong những nguy cơ đó là tổ chức tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo (IS)”.
Ông Obama nhấn mạnh, IS không phải là Hồi giáo vì không tôn giáo nào tha thứ cho hành động giết hại người vô tội, mà phần lớn các nạn nhân của IS lại chính là tín đồ Hồi giáo. IS chắc chắn cũng không phải là một nhà nước mà là một nhánh của al-Qeada tại Iraq trước kia. Tổ chức này đã lợi dụng xung đột giáo phái và cuộc nội chiến ở Syria để chiếm lãnh thổ ở cả hai phía biên giới giữa Iraq và Syria.
“Không một Chính phủ nào công nhận IS và cũng không người dân nào chịu khuất phục chúng. IS là một tổ chức thuần chất khủng bố, và không có tầm nhìn nào khác ngoài giết hại tất cả những ai cản đường chúng”.
Tổng thống Obama nêu rõ, IS là mối đe dọa đối với người dân Iraq, Syria và cả khu vực Trung Đông, bao gồm các công dân, nhân viên và cơ sở của Mỹ. Nếu không bị ngăn cản, những kẻ khủng bố này có thể gây ra mối đe dọa vượt ra ngoài khu vực, tới cả nước Mỹ.
Theo ông Obama, dù âm mưu cụ thể chống lại nước Mỹ của IS chưa được xác định nhưng tổ chức này đã đe dọa Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ đã gia nhập lực lượng IS ở Iraq và Syria. Được huấn luyện và có kinh nghiệm chiến đấu, những đối tượng này có thể tìm cách quay trở lại nước mình và thực hiện các vụ tấn công đẫm máu.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh cuộc chiến chống IS cần sự tham gia của cộng đồng quốc tế: “Nhưng đây không phải là cuộc chiến của riêng nước Mỹ. Sức mạnh của Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định, nhưng chúng ta không thể làm thay việc mà người Iraq phải tự làm, cũng như không thể thay thế các đối tác Arab trong đảm bảo an ninh khu vực. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng các hành động tiếp theo của Mỹ phụ thuộc vào việc thành lập một chính phủ hợp nhất tại Iraq. Với việc Iraq đã có chính phủ mới và sau khi tham vấn các đồng minh và Quốc hội Mỹ, tôi có thể tuyên bố rằng Mỹ sẽ lãnh đạo một liên minh rộng lớn để đẩy lùi mối đe dọa khủng bố trên”.
Tổng thống Obama nêu rõ, mục tiêu của Mỹ là làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt IS thông qua một chiến lược chống khủng bố toàn diện và lâu dài với 4 trọng tâm. Thứ nhất, Mỹ sẽ thực hiện một chiến dịch không kích có hệ thống để hỗ trợ các cuộc tấn công lực lượng IS của quân Chính phủ Iraq.
“Chúng ta sẽ truy lùng những kẻ khủng bố đe dọa nước Mỹ tại bất kỳ nơi nào chúng ẩn náu, có nghĩa là tôi sẽ không do dự thực thi hành động chống lực lượng IS ở Syria, cũng như ở Iraq. Trên cương vị Tổng thống, nguyên tắc của tôi là: kẻ đe dọa nước Mỹ sẽ không có chốn dung thân”, ông Obama nêu rõ.
Thứ 2, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ các lực lượng đang chiến đấu chống lại tổ chức IS. Tổng thống Obama cho biết, Mỹ sẽ gửi thêm 475 nhân viên quân sự tới Iraq nhưng nhóm này sẽ không tham chiến mà chỉ hỗ trợ các lực lượng Iraq và người Kurd về đào tạo, tình báo và trang thiết bị.
Ông Obama một lần nữa kêu gọi Quốc hội Mỹ cho phép cũng như cung cấp nguồn lực để đào tạo và hỗ trợ trang thiết bị cho phe đối lập tại Syria, đưa lực lượng này trở thành đối trọng chống lại các phần tử cực đoan như IS.
Thứ 3, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lực chống khủng bố để ngăn ngừa các cuộc tấn công của IS, đồng thời phối hợp với các đối tác để chặn nguồn tài chính của tổ chức này, cải thiện thông tin tình báo, tăng cường quốc phòng, và ngăn chặn các chiến binh nước ngoài ra vào khu vực Trung Đông.
Tổng thống Obama thông báo ông sẽ chủ trì 1 cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này để huy động cộng đồng quốc tế tham gia nỗ lực này của Mỹ.
Thứ 4, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân đang phải ly hương do sự chiếm đóng của tổ chức IS, trong đó có các cộng đồng Hồi giáo Sunni, Shia cùng hàng chục nghìn tín đồ Thiên chúa giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác.
Tổng thống Obama cho biết, chiến lược của Mỹ sẽ được hậu thuẫn bởi một liên minh rộng lớn giữa các đối tác của Washington. Theo ông Obama, các nước đồng minh đã cung cấp vũ khí, hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq và phe đối lập tại Syria, chia sẻ thông tin tình báo và viện trợ nhân đạo trị giá hàng tỷ USD. Ông Obama khẳng định, Ngoại trưởng John Kerry sẽ tới một loạt các nước Trung Đông và châu Âu để kêu gọi các đối tác tham gia cuộc chiến chống IS.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama thừa nhận cuộc chiến tiêu diệt “khối ung thư” IS sẽ mất nhiều thời gian và bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ kèm theo rủi ro đối với binh sỹ Mỹ.
Ông Obama khẳng định, nỗ lực chống IS sẽ khác với cuộc chiến tại Iraq hay Afghanistan ở điểm Mỹ sẽ không đưa bộ binh tham chiến. Chiến dịch chống khủng bố hiện nay sẽ được thực hiện thông qua những nỗ lực bền bỉ, lâu dài, sử dụng sức mạnh không quân và hỗ trợ các lực lượng đối tác để tiêu diệt tận gốc IS.
Đây là chiến lược mà Mỹ đã áp dụng thành công tại Yemen và Somalia trong nhiều năm qua, và cũng chính là cách tiếp cận mà ông Obama đã đưa ra vào đầu năm nay: sử dụng vũ lực đối với bất kỳ đối tượng nào đe dọa lợi ích cốt lõi của Mỹ và huy động các đối tác để đối phó với các thách thức liên quan đến trật tự quốc tế.
Theo TTXVN