Trăn trở hậu ly hôn

Cập nhật: 04-04-2016 | 09:11:12

Đã nhiều lần cô nằm mơ mình lại ở trong căn nhà cũ, làm mọi việc cùng anh vui vẻ và thích thú, rồi tỉnh dậy, cô nuối tiếc...

Dạo đó mọi việc cứ đến dồn dập, lận đận, khiến anh vấp phải sai lầm. Do thiếu kinh nghiệm, lại không nghe cảnh báo từ vợ, anh đã làm tiêu tán một tài sản tương đối lớn của cả hai vợ chồng. Thậm chí miếng đất của bố mẹ chồng cũng đang nằm ngoài ngân hàng và bố mẹ cô ít nhiều cũng bị liên lụy.

Hai bên thông gia cãi cọ, mâu thuẫn. Cô đã nghe theo sự lôi kéo của bố mẹ đẻ bỏ về nhà họ, không chịu cùng anh cứu vãn. Cô để mặc anh, tự đi mà tìm lối thoát, việc của cô là ngồi đay nghiến, miệt thị, căm tức chồng...

Họ chia tay nhau, mọi việc dường như đơn giản, vì tài chính giữa họ chẳng còn gì ràng buộc, chỉ là bản đăng ký kết hôn, chỉ là tờ giấy. Còn hai đứa con, ông bà ngoại hứa sẽ bao thầu toàn bộ. Chồng cô lúc ấy tay trắng lấy gì mà nuôi con?

Bao năm anh vẫn loay hoay tìm kế sinh nhai, phải đi lên từ con số âm cực nhọc quá. Song khi đã chia hai con đường, mỗi lần đến thăm con, anh nhìn cô vẫn lịch sự và thái độ tôn trọng với người đã từng chung sống dưới một mái nhà. Đó chính là điều khiến cô mất ngủ suy nghĩ, về cái ngày mà vạn bất đắc dĩ mới phải quay lưng.

Cô nhận thấy rằng, có những quy tắc ứng xử, những phép lịch sự tối thiểu đàn ông có thể học và áp dụng vào y như những con vẹt. Lại có người đi hết nửa đời mới vỡ vạc và cố máy móc áp dụng do thiếu nền tảng từ thủa nhỏ. Tuy nhiên, có những thứ thuộc về phong thái, về tư duy gắn liền với hành xử chuẩn mực của một con người, thì lại thuộc về phẩm chất sẵn có, nó tồn tại trong con người đó từ bao giờ… Và chỉ khi rời xa, cô mới nhận ra.

Cô biết đó không hẳn là còn yêu, mà chỉ là nhìn về quá khứ với tất cả sự trân trọng. Thực tại và tương lai không cho phép cô ngoảnh lại, vì khi ngoảnh lại đau buồn sẽ lặp lại. Cô hiểu, nếu đã thuộc về nhau thì có mất nhau vẫn tìm lại được. Còn không là gì thì ngay bên cạnh cũng không thể nhìn thấy.

Cô tâm niệm, đối phương như tấm gương, thế nên họ đối với cô sao thì cô đối đãi lại như thế. Cô coi anh như một người bạn cũ. Có người tò mò việc sao lại có thể coi nhau là bạn, khi mà chính người kia đã góp phần gây ra đổ vỡ, đau khổ, thất vọng...

Cô cười, làm bạn được thôi, vì lúc sống chung có những thứ không tài nào chấp nhận nổi, thì khi chia tay có thời gian ngẫm lại, thấy tha thứ được cái gì thì tha thứ. Suy nghĩ sẽ thật thản nhiên, thế là giờ nhìn nhau, đối đãi với nhau sẽ nhẹ nhàng hơn.

Đặc biệt là khi tôn chỉ của việc chia tay được cả hai tôn trọng. Đó là đặt con cái lên trước hết. Trong cách giáo dục bố mẹ đều phải được tôn trọng tuyệt đối trước mặt con. Không được người này nhồi nhét cái xấu về người kia vào đầu con. Cũng như không thể hiện cho con thấy tiếng nói của ai có trọng lượng hơn.

Khi cả bố và mẹ có thiện chí dành cho nhau sự nể vì như vậy, dẫu có thể chỉ là vì con, thì tự khắc mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Và cô tự thấy trăn trở vậy thôi là đủ rồi...

Theo Dân trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=760
Quay lên trên