Xông hơi không những tốt cho sức khỏe mà còn là phương pháp chống lão hóa hiệu quả, không tốn kém.
Xông hơi giúp làm dãn nở lỗ chân lông, da được “mở” ra thông thoáng dễ dàng bài tiết các chất bã nhờn bị tắc nghẽn hoặc nằm sâu dưới da, giúp da sạch sẽ và tươi sáng hơn. Đặc biệt, khi kết hợp với tinh dầu phù hợp sẽ mang lại tác dụng gấp bội so với xông thông thường, thúc ẩy quá trình tái tạo da mới, cho làn da tươi sáng trẻ trung hơn.
Ảnh minh họa
Thanh lọc, làm sáng da
Hàng ngày da bạn bị tác động của nhiều yếu tố như môi trường, hóa chất, mỹ phẩm… Rửa mặt không lấy hết các bụi bẩn, lâu ngày tích tụ trong lỗ chân lông gây tắc nghẽn, dễ sinh mụn đỏ, mụn viêm, da sần sùi, kém mịn, kém sáng, nếu kéo dài sẽ làm da nhăn nheo. Xông hơi sẽ làm sạch, thanh lọc sâu bên dưới da.
Mặt khác, những yếu tố bên ngoài cũng là tác nhân làm giảm sức đề kháng cho da, khiến da hấp thụ dưỡng chất và lưu thông máu, ôxy kém. Khi xông hơi, với cơ chế tác động của nhiệt sẽ làm lỗ chân lông mở, các mao mạch nở ra giúp đẩy độc tố ra ngoài, quá trình bài tiết tốt hơn. Đồng thời máu huyết cũng hoạt động tốt hơn giúp da khỏe mạnh; các mô, cơ trên mặt được kích thích hình thành collagen mới, da trở nên đẹp, mịn màng, căng sáng.
Chống lão hóa da
Quá trình xông hơi cũng là thời điểm để da hấp thụ dưỡng chất, vitamin nhanh chóng, trọn vẹn vì các tế bào da đang ở chế độ sẵn sàng tiếp nhận dưỡng chất nuôi dưỡng làn da từ sâu bên trong.
Vì thế, bạn có thể kết hợp xông với các nguyên liệu thảo dược, tinh dầu… phù hợp để tăng dưỡng chất thẩm thấu vào da, giúp da săn chắc, khỏe đẹp tự nhiên. Lưu ý, trước khi massage bạn nên xông hơi, sau đó kết hợp thoa dưỡng chất mỹ phẩm chống lão hóa.
Giúp giảm cân
Xông hơi không có tác dụng giảm mỡ, nhưng lại có khả năng thúc đẩy tiêu hao lượng mỡ thừa, ngăn chặn béo phì khi kết hợp với luyện tập thể thao và dinh dưỡng. Vì thế, bạn có thể xông hơi 20-30 phút/hai lần/tuần sẽ tiêu hao năng lượng tương đương đi bộ 45 phút, hoặc hoạt động mạnh 25 phút.
Có nhiều cách xông hơi
Nếu xông bằng lá (với các loại lá tươi như bưởi, ngải cứu, tía tô, cúc tần, hương nhu, sả, chanh, bạc hà…), bạn cần rửa sạch lá, sau đó xếp vào nồi, đổ ngập nước, nấu sôi khoảng 10- 15 phút.
Tiếp đó, nhấc nồi khỏi bếp rồi trùm kín mền, khăn rồi xông. Lưu ý, để nhiệt độ không tăng đột ngột làm phỏng da, mất nước ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn mở nồi xông từ từ để kiểm soát nhiệt độ, lượng mồ hôi không ra quá nhiều. Dùng khăn khô lau sạch mồ hôi, xông tiếp khoảng 15-20 phút, sau đó để da khô mới rửa lại bằng nước lạnh để se khít lỗ chân lông. Tiếp đó thoa kem dưỡng.
Nếu xông với tinh dầu, bạn nên chọn loại tinh dầu thiên nhiên, hoặc cánh hoa hồng, hoa cúc… mới có tác dụng tốt khi thẩm thấu sâu đến từng tế bào biểu bì của da mặt. Bạn nên trang bị máy xông hoặc dùng tô nhỏ vừa đủ áp mặt vào.
Khi nước sôi, nhỏ vài giọt tinh dầu vào tô hoặc máy xông, đưa mặt gần với miệng tô hay máy xông để hơi nước bốc lên tự nhiên. Không nên úp mặt quá sát vào trong tô nước để tránh trường hợp bị phỏng hơi.
Sau khi xông, dùng khăn cotton lau nhẹ nhàng. Rửa mặt lại bằng nước lạnh để lỗ chân lông trở lại trạng thái ban đầu. Sau đó, có thể đắp mặt nạ, hoặc dùng bông gòn thấm nước hoa hồng lau nhẹ nhàng lên mặt, thoa kem dưỡng da.
Theo PNO