Triệt tận gốc nạn “tín dụng đen”

Cập nhật: 26-08-2023 | 10:18:21

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 766/ CĐ-TTg ngày 24-8-2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.

Công điện nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen” còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hàng loạt giải pháp, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân…

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”…

Có thể nói trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, để người lao động không rơi vào bẫy “tín dụng đen”, cần các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế và những giải pháp như công điện của Thủ Tướng Chính Phủ như đã nêu ở trên là kịp thời.

Thời gian qua, các ban ngành ở Bình Dương đã chú trọng công tác giữ gìn an ninh trật tự trong công nhân, đặc biệt là trước tội phạm “tín dụng đen”. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các cấp đã có những chính sách căn cơ nhằm hỗ trợ người lao động trước khó khăn. Cụ thể như LĐLĐ tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ năm 2020. Quỹ hỗ trợ cho các trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và rủi ro khác với mức từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng/trường hợp.

Song song đó, tổ chức Công đoàn đã thành lập Quỹ trợ vốn CEP để hỗ trợ vốn vay cho người lao động, giúp công nhân có nguồn vốn vay lãi suất thấp mà không phải vay nặng lãi bên ngoài. Đến nay, tại Bình Dương đã có 2 chi nhánh của CEP đang hoạt động trợ vốn cho người lao động. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng tăng cường công tác giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để người lao động biết, tìm việc làm thích hợp để có thu nhập, ổn định cuộc sống… 

Để tội phạm “tín dụng đen” hết đất sống, không chỉ có vai trò của cơ quan chức năng mà mỗi công dân cũng nên cương quyết trước những lời mời có cánh của đối tượng cho vay.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên