Trung Quốc chiếm phần lớn trong danh sách 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất khu vực.
Theo CNBC, các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua chịu nhiều cú sốc như giá dầu tăng cao, thảm họa sóng thần, động đất và hạt nhân tại Nhật Bản, hay thiên tai ở Australia. Nhưng giá trị vốn hóa của những công ty này vẫn tăng cao nhờ lợi nhuận kỷ lục, lại được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô ổn định, và chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương sau suy thoái.
Dưới đây là danh sách 10 công ty có giá trị lớn nhất châu Á theo công bố của CNBC. Dữ liệu được tính tới cuối tháng 4.
1. Công ty dầu khí PetroChina
Giá trị vốn hóa thị trường: 329,6 tỷ USD
Thành lập năm 1999, PetroChina là chi nhánh của Tập đoàn năng lượng nhà nước (CNPC). Tập đoàn này hiện vẫn nắm 86% cổ phần tại PetroChina. PetroChina còn là công ty lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu. Doanh thu của công ty năm 2010 đạt 222 tỷ USD.
Giống như Sinopec, cổ phiếu PetroChina được niêm yết trên sàn Hong Kong, New York và Thượng Hải. Công ty hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác, lọc dầu và bán lẻ xăng dầu. PetroChina hiện sở hữu khoảng 18.000 chi nhánh bán lẻ xăng dầu trên khắp Trung Quốc.
2. Ngân hàng Industrial & Commercial Bank of China
Giá trị vốn hóa thị trường: 259,2 tỷ USD
Sau khi công bố lợi nhuận cao kỷ lục 25 tỷ USD vào năm 2010, ngân hàng lớn nhất trong nhóm 4 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức thấp. Những nỗi lo về chính sách tiền tệ của Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư đứng bên lề thị trường bất chấp các thông tin lợi nhuận cao. Cổ phiếu ICBC tại Hong Kong chỉ tăng được 9% trong năm qua.
ICBC không chỉ là ngân hàng có lãi nhất thế giới mà còn là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Ngân hàng phục vụ 216 triệu khách hàng cá nhân thông qua 16.200 chi nhánh.
3. Ngân hàng China Construction Bank
Giá trị vốn hóa thị trường: 238,3 tỷ USD
Tăng trưởng tín dụng ấn tượng của Trung Quốc để cứu kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp ngân hàng lớn thứ 2 tại Trung Quốc công bố lợi nhuận tăng 26% trong năm tài khóa kết thúc ngày 31-3-2011. Giá trị thị trường của ngân hàng tăng 15% trong năm 2010.
Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc 4 lần nâng lãi suất cơ bản từ tháng 10-2010, các chuyên gia phân tích cho rằng năm nay các ngân hàng vẫn sẽ công bố lợi nhuận cao kỷ lục.
4. Hãng điện thoại China Mobile
Giá trị vốn hóa thị trường: 189,7 tỷ USD
Khi bạn phải phục vụ khoảng 600 triệu khách hàng, tăng trưởng sẽ là vấn đề lớn. ChinaMobile gặp phải tình trạng tương tự trong năm qua. ChinaMobile công bố lợi nhuận ròng quý 4-2010 tăng 3%. ChinaMobile cũng là hãng viễn thông di động lớn nhất thế giới tính theo số lượng thuê bao.
Các cổ đông của công ty có thể vui mừng khi ChinaMobile tăng lợi tức. Dưới sự lãnh đạo của CEO Wang Jianzhou, ChinaMobible đang có 48 tỷ USD tiền mặt và các tài sản tương đương.
5. Công ty BHP Billiton
Giá trị vốn hóa thị trường: 170,2 tỷ USD
Giá than tăng mạnh đẩy vốn hóa thị trường của BHP Billiton tăng 11% trong năm vừa qua. Công ty đã mua lại 7,8 tỷ cổ phiếu tại Australia và Anh từ tháng 11-2010.
Công việc kinh doanh của BHP Billiton chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt tại bang Queensland của Australia. Lũ lụt và các cơn bão đã khiến bang thiệt hại tới 30 triệu tấn than đá sản lượng.
6. Ngân hàng Bank of China
Giá trị vốn hóa thị trường: 150 tỷ USD
Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không ngừng nâng lãi suất cơ bản và thắt chặt thanh khoản, các ngân hàng nước này vẫn tiếp tục công bố lợi nhuận cao. Bank of China, ngân hàng lớn thứ 4 tại Trung Quốc tính theo tài sản và thứ 3 nếu tính theo giá trị thị trường, công bố lợi nhuận quý 4-2010 tăng 33%.
Bank of China hiện là ngân hàng ngoại hối lớn nhất Trung Quốc và có thể hưởng lợi từ việc Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
7. Ngân hàng Agricultural Bank of China
Giá trị vốn hóa thị trường: 148,3 tỷ USD
Là ngân hàng nhỏ nhất trong nhóm 4 ngân hàng nhà nước của Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc hiện là công ty lớn thứ 7 châu Á tính theo giá trị thị trường. Đợt IPO của ngân hàng vào năm 2010 hút về 22,1 tỷ USD từ thị trường Thượng Hải và Hong Kong, đợt IPO của ngân hàng này lớn nhất trong lịch sử, cao hơn so với đợt IPO của ICBC vào năm 2006.
4 năm trước, ngân hàng hoàn toàn mất thanh khoản, thế nhưng việc Trung Quốc muốn phát triển thị trường trong nước đã hỗ trợ quan trọng cho ngân hàng. Lợi nhuận ròng quý 4-2010 tăng 83%. Chủ tịch ngân hàng cho biết khoảng 96% các chi nhánh của ngân hàng kinh doanh có lãi.
8. Hãng Toyota Motor
Giá trị vốn hóa thị trường: 135,5 tỷ USD
Sau khi đi xuống sâu trong năm 2010 sau sự cố chân ga, cổ phiếu Toyota đã hồi phục nhưng lại đi xuống sau thảm họa động đất sóng thần ngày 11-3-2011.
Động đất đã làm gián đoạn sản xuất gần như tại tất cả các nhà máy tại Nhật của Toyota. Công ty đang hạn chế sản xuất tại Bắc Mỹ, đóng cửa nhà máy tại châu Âu vài ngày và sản lượng ô tô tháng 5-2011 dự kiến giảm.
9. Công ty điện tử Samsung Electronics
Giá trị vốn hóa thị trường 134,8 tỷ USD
Là công ty lớn nhất Hàn Quốc, giá trị thị trường của Samsung tăng trong suốt năm qua và cổ phiếu lên mức kỷ lục vào tháng 1-2011. Cổ phiếu Samsung từ đó đến nay giảm bởi lo lắng về cạnh tranh của iPhone đối với dòng điện thoại thông minh của Samsung, ngoài ra sản phẩm máy tính bảng của hãng cũng chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ iPad2.
Được sáng lập năm 1969 tại Daegu, Hàn Quốc, Samsung có chặng đường phát triển dài. Năm 2010, hãng thu được 150 tỷ USD doanh thu. Dù vậy, Samsung vẫn là một công ty gia đình.
10. Công ty CNOOC
Giá trị vốn hóa thị trường: 113,8 tỷ USD
CNOOC hiện là công ty khai thác dầu ngoài khơi hàng đầu Trung Quốc và nằm trong nhóm một phần ba công ty dầu và khí đốt Trung Quốc có mặt trong top 20 doanh nghiệp lớn nhất châu Á.
Lợi nhuận quý 4-2010 của CNOOC tăng 72% nhờ giá dầu tăng cao.
Giá trị thị trường của Sinopec tăng hơn 40% trong năm qua, cao hơn Sinopec trên phương diện giá trị thị trường. Công ty này được chính phủ Trung Quốc thành lập năm 1982 để khai thác dầu ngoài khơi, CNOOC liên tục củng cố sự phát triển trên thế giới của mình bằng cách mua lại cổ phần của nhiều dự án khí đốt và năng lượng.
Tổng hợp