Sau khi 10 công nhân ở Công ty Foxconn tự tử hồi cuối tháng 5 vừa qua, tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện cho các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới ở Trung Quốc phải đồng ý nâng mức lương cho công nhân lên đến 70%. Sau sự kiện này, ở Trung Quốc đã liên tiếp xảy ra hàng loạt các cuộc đình công, bãi công đòi giới chủ tăng lương. Và phần lớn, họ đã đạt được nguyện vọng. Nhiều người cho rằng, thời của lao động giá rẻ đã qua và nền sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc cũng sẽ kết thúc trong nay mai.
Công nhân Trung Quốc chuẩn bị vào ca làm việc sau khi đã được hãng Honda tăng lương
Từ hiệu ứng domino
Ngày 10-6, hãng ô tô lớn thứ hai Nhật Bản là Honda Motor Co. tuyên bố sẽ nối lại hoạt động tại 2 nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sau khi đã đáp ứng yêu cầu đòi tăng lương của công nhân, nhằm chấm dứt cuộc đình công kéo dài 3 ngày trước đó. Công nhân tại các nhà máy này đình công từ ngày 7-6, một tuần sau khi hãng Honda quyết định tăng lương từ 24% đến 32% mức lương hiện tại cho công nhân tại một số nhà máy khác ở Trung Quốc cũng để chấm dứt đình công của công nhân.
Được biết, khoảng 1.900 công nhân tại các nhà máy Honda đã yêu cầu tăng lương từ 1.500 NDT hiện tại lên 2.000 NDT (293 USD) và 2.500 NDT. Các nhà máy và liên doanh giữa Honda với đối tác Trung Quốc bị ảnh hưởng trong đợt đình công này hiện sản xuất một số mẫu xe khá thông dụng như Accord sedan và Civic compact với tổng công suất 650.000 chiếc/năm.
Đây là những cuộc đình công đầu tiên ảnh hưởng tới sản xuất của Honda tại Trung Quốc. Hồi đầu tuần, hai nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foxconn ở Trung Quốc buộc phải tăng 70% lương sau các vụ tự tử của công nhân. Foxconn còn dự định tăng gấp đôi mức lương cho công nhân vào cuối năm nay (khoảng 300 USD/tháng).
Trước đó, ngày 6-6, khoảng 500 công nhân tại nhà máy Merry Electronic cũng bỏ việc sau những tranh cãi với giới chủ không được giải quyết. Chỉ một ngày sau, công ty này tuyên bố tăng 22% mức lương hiện tại cho công nhân. Theo một báo cáo của chính quyền Trung Quốc, hơn 90% các doanh nghiệp nằm ở vùng đồng bằng sông Châu (Pearl River Delta) - khu vực bao gồm cả Guangzhou đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực lao động với tổng số thiếu hụt lên tới 2 triệu công nhân.
Công đoàn và giới chủ tại Trung Quốc cho biết, tình trạng đình công đang trở nên phổ biến hơn tại nước này. Hãng tin Bloomberg bình luận “Thời của lao động giá rẻ đã chấm dứt. Trung Quốc đang chứng kiến một sự thiếu hụt về nhân lực lao động và đó là lý do khiến quyền đàm phán đang được chuyển sang người lao động”.
Mặc dù công nhân đã trở lại làm việc theo sau hứa hẹn tăng lương của giới chủ, nhưng các cuộc đình công đã cho thấy phần nào mức độ phụ thuộc của nền tư bản toàn cầu vào thị trường lao động giá rẻ ở Trung Quốc. Hàng hóa lưu thông trên toàn cầu hiện nay phần lớn đều mang nhãn “Made in China”. Các đại gia ô tô đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ở Trung Quốc cũng bắt đầu lo lắng tại “thương trường” quan trọng này.
Các cuộc đình công của công nhân 3 nhà máy Honda kéo dài trong hơn 2 tuần lễ đã trở thành chủ đề chính của truyền thông thế giới trong những ngày qua, đặc biệt là báo chí tài chính. Nhiều tờ báo lớn đã phản ánh mối quan ngại rằng sự bất ổn của lực lượng lao động Trung Quốc có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đến quy trình sản xuất toàn cầu, vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lao động giá rẻ của Trung Quốc.
Tờ New York Times lo ngại rằng công nhân Trung Quốc sẽ theo chân các cuộc đình công “ngồi chơi” của công nhân các nhà máy ô tô ở Mỹ vào những năm 1930, gây ra hiệu ứng domino trong ngành công nghiệp ô tô toàn Trung Quốc, trong đó có các nhà máy General Motors của Mỹ. Đây là công ty sản xuất ô tô có vốn nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, với doanh số tăng 66,9% trong năm ngoái, đạt tới 1,83 triệu USD. Thậm chí có nhận định cho rằng “bất cứ một cuộc khủng hoảng chính trị nào ở Trung Quốc cũng sẽ làm tồi tệ thêm sự bất ổn tài chính đang dâng cao trên toàn cầu mà xuất phát từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu”.
Đến “bước ngoặt Lewis”
Trong số ra ngày 7-6, tờ The Economic Observer bình luận rằng các vụ tự tử và đình công của lao động giá rẻ vừa qua là những “triệu chứng” của một sự thay đổi rộng lớn trên thị trường lao động Trung Quốc. Bài báo nhận định rằng thị trường lao động Trung Quốc đã ở vào bước ngoặt Lewis (Lewisian turning point.
Theo nhà kinh tế được giải Nobel Arthur Lewis, khu vực tư bản phát triển nhờ lấy lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp còn lạc hậu. Khi không còn được khu vực nông nghiệp cung cấp thêm lao động thì lương trong khu vực công nghiệp bắt đầu tăng nhanh). Chẳng những thế, thế hệ lao động mới đòi hỏi nhiều hơn và có tham vọng lớn hơn thế hệ cha mẹ họ, vì họ có năng suất cao hơn nhờ được đào tạo tốt hơn. Họ muốn được trả lương cao và cảm thấy bất mãn khi phải làm những công việc quá đơn điệu.
Tuy nhiên, cuộc đình công lan rộng lần này còn là dấu hiệu của những mâu thuẫn giai cấp ở Trung Quốc do khủng hoảng kinh tế toàn cầu mang lại. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, thì khoảng cách giữa giàu và nghèo càng mở rộng. Doanh số bán lẻ ô tô ở Trung Quốc đã tăng đến 40% trong năm ngoái. Tuy nhiên, giấc mơ cải thiện cuộc sống của công nhân còn lâu mới biến thành hiện thực khi lương của họ chỉ tăng 9,1% trong năm ngoái, còn mức lạm phát thì lớn hơn nhiều.
Các công ty nước ngoài đã “nỗ lực” chia rẽ công nhân bằng áp lực buộc họ phải cam kết không đình công nữa để nhận thêm một khoản tiền tăng lương nho nhỏ. Tuy nhiên, những người đình công không những bác bỏ mà còn đòi hỏi thêm nhiều điều kiện khác như thay đổi điều kiện làm việc, minh bạch hơn tài chính công ty và thay các đại diện công đoàn. Nếu như trước đây các nhà đầu tư nước ngoài được ru ngủ trong cái cảm giác an toàn rằng Trung Quốc có một lực lượng lao động “dễ bảo”, thì nay mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây chúng ta đang bước vào thời kỳ cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường toàn cầu thế kỷ 21.
Và chính sách “nhân công không rẻ”
Xu hướng tăng lương được giới quan sát nhận định là do chính phủ Trung Quốc “khởi xướng”. Nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ủng hộ lương cao để giúp giảm khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Hơn nữa, Bắc Kinh ủng hộ việc tăng lương như một cách để kích cầu trong nước và giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ. Chính phủ đang hy vọng chuyển một số công ty xuất khẩu hàng chất lượng thấp, giá rẻ sang đầu tư nhiều vào các công nghệ mới hoặc hàng hóa có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao như máy tính hay những chiếc điện thoại thông minh.
Mary Gallagher, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc học tại đại học Michigan nhận định : “Trung Quốc không mất đi những cơ sở sản xuất vì nước này có một thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng tham vọng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là không muốn trở thành nơi trưng bày sản phẩm, không muốn là công xưởng của thế giới, mà họ muốn là nhà sản xuất hàng công nghệ cao”. Rất nhiều chủ nhà máy ở Trung Hoa lục địa đang tìm cách để không chỉ đơn giản là sản xuất linh kiện cho các hãng lớn nữa mà sẽ tiến tới xây dựng thương hiệu riêng, giống như các công ty máy tính Acer và Asustek đã làm. Nhà máy sản xuất hàng điện tử công nghệ cao sẽ tồn tại tốt ở Trung Quốc bởi nước này có hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống kiểm tra chất lượng tốt.
Ngày 29-3, chương trình “Staronline” của Mỹ đưa ra báo cáo cho hay, cùng với tốc độ tăng tiền lương của công nhân Trung Quốc đã không còn là cơ sở sản xuất các mặt hàng giá rẻ của toàn cầu. Bài viết chỉ rõ, đối với các công ty Mỹ, việc coi Trung Quốc là chiến lược kinh doanh các mặt hàng giá rẻ đã không phù hợp, vì 5 năm qua, mức lương bình quân của khu vực duyên hải Đông Nam – nơi tập trung của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc đã tăng trên 50%.
Sau đợt điều chỉnh lương này, thù lao của công nhân tại Trung Quốc vẫn không thể so sánh với mức lương tại Mỹ và châu Âu (lương tối thiểu tại các thành phố công nghiệp phía Nam Trung Quốc sẽ chỉ đạt xấp xỉ 125 USD/tháng). Tuy nhiên, nó cũng cho thấy đã đến lúc Trung Quốc không còn là nơi gọi là giá nhân công rẻ và công nhân Trung Quốc có quyền đàm phán về lương và những điều kiện làm việc của họ, chứ không chỉ gật đầu chấp nhận bất cứ khoản lương nào do các ông chủ nước ngoài chi trả.
Cuộc cạnh tranh trên thương trường ngày càng khốc liệt hơn khi những sản phẩm điện tử kỹ thuật cao như điện thoại thông minh trong tương lai sẽ có thể được đầu tư sản xuất bởi chính các công ty Trung Quốc và người công nhân trực tiếp sản xuất ra nó được hưởng đồng lương xứng đáng với sức lao động của mình, chứ không còn bị tư bản nước ngoài bóc lột.
THEO SGGP