Trung tâm văn hóa, thông tin-thể thao huyện, thị: Cơ sở xuống cấp, kinh phí eo hẹp!

Cập nhật: 28-07-2012 | 00:00:00

Trung tâm văn hóa, thông tin-thể thao (TTVHTT-TT) huyện, thị, thành phố là một hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa của cả nước; là công cụ tuyên truyền, vận động sắc bén, sâu rộng tại cơ sở. Do đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống này là rất cần thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, để một TTVHTT-TT  hoạt động hiệu quả thì phải bảo đảm đủ 3 yếu tố, bao gồm: cơ sở vật chất, kinh phí và con người. Thực tế hoạt động tại các TTVHTT-TT trong tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm.  Không đủ không gian sinh hoạt nên một phòng được tận dụng làm lớp luyện chữ, phòng khiêu vũ, tập thể dục, nơi sinh hoạt câu lạc bộ... Trong ảnh: “Phòng đa năng” của TTVHTT-TT TX.Thuận An

Nhìn từ thực tế

Tại TTVHTT-TT huyện Bến Cát, hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng từ năm 1985 bao gồm: nhà hát với 1.200 chỗ ngồi để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật; một tòa nhà 1 trệt, 2 lầu với diện tích xây dựng 777.2m2 dùng làm thư viện, hội trường, sinh hoạt đội nhóm, câu lạc bộ, văn phòng làm việc của trung tâm; 1 nhà truyền thống với diện tích xây dựng 108m2 (cơ sở này được tiếp nhận từ công ty thương nghiệp của huyện từ năm 1993).

Trong vòng 6 tháng đầu năm, TT đã tổ chức hoạt động đồng đều trên các lĩnh vực bao gồm công tác thông tin tuyên truyền, cổ động: Tổ chức biểu diễn chương trình văn nghệ thông tin lưu động tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được 15 buổi, phục vụ 3.300 lượt người xem; tổ chức các hoạt động văn nghệ mà nổi bật là ngày hội thanh niên công nhân xa quê vui tết; hội thi văn nghệ công nhân lao động các khu công nghiệp huyện Bến Cát lần I năm 2012...; hoạt động thư viện phục vụ 61.173 lượt độc giả, luân chuyển 183.588 bản sách, báo, tạp chí, luân chuyển sách phục vụ cơ sở đến 7 điểm doanh nghiệp, trường học, cấp mới 456 thẻ độc giả; tổ chức chiếu phim lưu động ở các xã, thị trấn được 46 buổi và 9 điểm trường học trên địa bàn, phục vụ 10.835 lượt xem. Ngoài ra, hoạt động thể dục thể thao huyện cũng có nhiều hoạt động như: thi đấu bóng chuyền, bi sắt, Taekwondo, đẩy gậy, Karatedo... và thành lập mới CLB Lân - Sư - Rồng trực thuộc TTVHTT-TT huyện với 24 thành viên.  Quỹ đất rộng nhưng hệ thống cơ sở xuống cấp cản trở nhiều hoạt động tại TTVHTT-TT Bến Cát. Trong ảnh: Sân nền đất chỉ được sử dụng vào mùa khô

Đối với hoạt động của TTVHTT-TT TX.Thuận An, bên cạnh các công tác thông tin cổ động, công tác văn hóa - văn nghệ cũng có các hoạt động điển hình như: Tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh năm 2012 với chủ đề “Bình Dương hướng về biển đảo quê hương”, tổ chức hội thi tiếng hát công nhân các khu nhà trọ văn hóa; với công tác thư viện đã phục vụ cho 17.187 lượt độc giả và luân chuyển 63.359 lượt sách, báo...; phát động cuộc thi ảnh đẹp trong công tác bảo tồn bảo tàng với chủ đề: “Sức sống Thuận An ngày mới” có trên 800 tác phẩm của 24 tác giả dự thi. Được biết, trong 6 tháng đầu năm, TT cũng đã tổ chức nhiều buổi giao lưu đờn ca tài tử với các quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM)...

Nhìn chung, trong thời gian qua TTVHTT-TT trên địa bàn huyện Bến Cát và TX.Thuận An đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tổ chức các chương trình hoạt động tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Tuy nhiên, việc phát huy toàn bộ yếu tố nội lực để tận dụng triệt để thế mạnh của các TT này lại là vấn đề còn gặp nhiều vướng mắc.

Nên tăng cường xã hội hóa

Thực tế TTVHTT-TT Bến Cát cho thấy, đây là TT duy nhất trên địa bàn toàn huyện (ngoài 1 nhà văn hóa tại xã Phú An đang trong quá trình khởi công) nên việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền là điều cần thiết. Tuy nhiên, do được xây dựng từ cách đây khá lâu nên cơ sở vật chất ở đây đã xuống cấp nghiêm trọng. Trang thiết bị còn sơ sài. Đơn cử như hệ thống ghế ngồi bên trong nhà hát khá cũ kỹ, quỹ đất của TT này rộng nhưng do chưa được đầu tư nên không đáp ứng phục vụ nhu cầu địa phương. Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Giám đốc TTVHTT-TT huyện Bến Cát thì “do khoảng sân của TT rộng nhưng vẫn là nền đất, thường chỉ sử dụng được trong mùa khô, còn vào mùa mưa thì các hoạt động ngoài trời, các giải đấu bóng chuyền, võ thuật phải nhờ sự hỗ trợ từ nơi khác. Bên cạnh đó việc mở các lớp khiêu vũ, câu lạc bộ cắm hoa... cũng rất khó khăn vì không có không gian sinh hoạt. Chúng tôi cũng tham gia khảo sát cách làm của một số TTVH tại địa bàn TP.HCM nhưng do phòng ốc của họ được đầu tư xây dựng tốt, có thể kinh doanh tạo nguồn thu để hoạt động, còn mình thì chưa đủ điều kiện để làm”.

Đối với TTVHTT-TT TX.Thuận An, khó khăn lại nảy sinh từ chính sự chật hẹp của quỹ đất. Vừa trao đổi, bà Lê Thị Dinh, Phó Giám đốc  TTVHTT-TT TX.Thuận An đã liệt kê ngay cho chúng tôi hàng loạt khó khăn mà TT này gặp phải như: “Khó khăn nhất là cơ sở vật chất nhỏ hẹp, sân bãi không có, 17 nhân viên chỉ có 2 phòng làm việc. Hơn nữa, mô hình hoạt động, nhu cầu thì nhiều nhưng không gian hoạt động chỉ có 1 phòng... Còn về nguồn nhân lực thì do lực lượng này còn khá trẻ nên cần có thời gian nữa mới ổn định...”.

Hỏi về vấn đề tạo sân chơi lành mạnh cho tầng lớp công nhân lao động, lãnh đạo TTVHTT-TT Bến Cát cho biết, do nằm ở vị trí cách xa các khu công nghiệp nên TT thường tổ chức các chương trình lưu động, phối hợp với nhiều ban ngành khác. Chị Hoa, nhân viên thư viện công tác ở đây đã hơn 10 năm cho biết: “Do công nhân lao động thường ít có thời gian tới đây đọc sách nên TT đã đưa sách, báo tới các khu công nghiệp và cho những địa bàn này mượn theo quý”. Về phía TT Thuận An, bà Dinh cũng đưa ra giải pháp khắc phục sau khi Nhà nước triển khai thực hiện Nghị định 11 về tiết kiệm ngân sách bằng cách “cải tạo, mở rộng, sửa chữa khoảng đất phía sau để tổ chức các giải đấu bóng chuyền, sân khấu và hát với nhau”.

Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh thì công tác xã hội hóa trong hoạt động phong trào đã góp phần rất lớn trong việc tổ chức thành công nhiều chương trình hoạt động. Trong khi đó bà Lê Thị Dinh lại cho rằng, do đây là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp gặp khó nên công tác kêu gọi tài trợ cũng không dễ dàng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước thì không đủ trang trải cho nhiều hoạt động. Vì vậy, “bắt buộc phải hạn chế các phong trào”.

Như vậy, xét theo ý kiến từ hai TTVHTT-TT huyện, thị này thì khó khăn lớn nhất vẫn là ở cơ sở vật chất yếu kém và kinh phí hoạt động eo hẹp. Còn về đội ngũ cán bộ cốt cán của hai địa phương được nhận xét là không có gì đáng bàn. Với lợi thế từ công tác xã hội hóa trong các hoạt động, thiết nghĩ không riêng gì ở hai địa phương mà tất cả các TTVHTT-TT huyện, thị đều nên tận dụng để việc hoạt động phong trào được tổ chức hoàn hảo hơn.

Quy hoạch phát triền phù hợp với điều kiện của từng địa phương

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Tờ trình số 127/TTr-BVHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể dục, thể thao cơ sở giai đoạn 2012-2020”. Theo nội dung dự thảo này thì “Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể dục, thể thao cơ sở phải đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức bộ máy, cán bộ, kinh phí hoạt động thường xuyên, nội dung và phương thức hoạt động; đầu tư xây dựng phải đi đôi với khai thác, phát huy hiệu quả; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể dục, thể thao cơ sở phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và khu dân cư...”.

LÊ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=347
Quay lên trên