Tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2020, sinh viên trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đã xuất sắc giành được giải nhì với dự án “Kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-Nato”. Một lần nữa, tinh thần khởi nghiệp, niềm đam mê sáng tạo đã được sinh viên của trường khẳng định và được vinh danh trong lễ trao giải tại Festival khởi nghiệp năm 2021.
Các thành viên trong nhóm cùng thảo luận, nghiên cứu về tính khả thi của dự án “Kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-Nato”
Cùng đam mê nghiên cứu
Tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia năm 2020 có 600 dự án của các trường ĐH đăng ký. Trong đó, nhóm sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một đã tham gia cuộc thi với dự án “Kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-Nato”. Nhóm gồm các sinh viên: Vũ Điệp Hoàng Thương, ngành công nghệ sinh học; Vương Ngọc Ái, ngành tài chính ngân hàng; Nguyễn Phan Hoàng Hân, ngành hóa học phân tích; Lê Ngọc Nhân, ngành tài chính ngân hàng và Huỳnh Phương, ngành ngôn ngữ Anh.
Chia sẻ với chúng tôi, Hoàng Thương, trưởng nhóm cho hay ý tưởng của các em xuất phát từ công trình nghiên cứu về một hoạt chất phòng đột quỵ. Từ đó, các em muốn phát triển thành sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Từ năm 2016 - 2020, các em đã trải qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm. Với quyết tâm đem đến sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, được sự hỗ trợ của thầy cô, các em đã nỗ lực vận dụng những kiến thức đã học vào nghiên cứu. Huỳnh Phương cho biết: “Tham gia dự án, chúng em cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và nghiên cứu. Có những lúc rất áp lực nhưng chúng em cùng động viên nhau, phân công công việc thật nhịp nhàng. Kết quả, dự án đã chinh phục được ban giám khảo cuộc thi, đồng thời tất cả các thành viên đều có thành tích học tập tốt”.
Nói về sản phẩm, Hoàng Thương cho biết, kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-Nato được sản xuất dưới hình dáng hoa cúc, với màu sắc và mùi vị thơm ngon tự nhiên, tạo tâm lý ưa thích cho người tiêu dùng. Nhân của viên kẹo là hoạt chất Enzyme Nattokinase (một hoạt chất đã được chứng minh trên các bài báo khoa học quốc tế về khả năng giúp phòng đột quỵ) và cánh hoa từ dịch chiết hoa đậu biếc. Cô Trương Thị Thủy Tiên, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp trường ĐH Thủ Dầu Một cho rằng, điểm độc đáo của kẹo dẻo C-Nato chính là đẩy mạnh khả năng hấp thụ hoạt chất phòng đột quỵ vào cơ thể. Trong quá trình khách hàng ngậm và nhai kẹo, hoạt chất phòng đột quỵ sẽ được hấp thụ vào con đường niêm mạc dưới lưỡi, khi xuống ruột sẽ được hấp thụ qua đường niêm mạc ruột. Với 2 con đường hấp thụ như thế giúp cho việc đẩy mạnh khả năng làm tan huyết khối, từ đó tăng khả năng phòng đột quỵ cao hơn.
Vì sức khỏe của cộng đồng
Nhiều năm qua, trường ĐH Thủ Dầu Một luôn hỗ trợ, tạo điều kiện, kích thích tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên. Sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một đã đạt nhiều giải thưởng cao trong hoạt động khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học toàn quốc. Với sản phẩm trên, nhóm sinh viên của trường mang đến thông điệp: C-Nato bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ đột quỵ, C-Nato tâm an - khỏe mạnh - hạnh phúc.
“Chúng em hiểu được sự cấp thiết của việc phòng bệnh đột quỵ nên đã phát triển sản phẩm kẹo dẻo hỗ trợ phòng đột quỵ C-Nato. Mục tiêu của chúng em là mong muốn giúp người dân Việt Nam nâng cao được ý thức phòng bệnh, để tỉ lệ nguy cơ mắc đột quỵ sẽ giảm đi, giúp loại bỏ được tâm lý mệt mỏi khi sử dụng thực phẩm chức năng dạng viên nén. Hy vọng, người dân Việt Nam có thể chủ động và dễ dàng mua được C-Nato để phòng bệnh với giá thành hợp túi tiền và kênh bán rộng rãi”, Hoàng Thương cho hay.
Để dự án có tính khả thi, nhóm thực hiện một thí nghiệm đánh giá trực tiếp trên cục huyết lợn với điều kiện mô phỏng tương đương như mạch máu người, hiệu quả tan huyết của kẹo là 82% trong 12 giờ. Cô Thủy Tiên thông tin thêm, hiện tại C-Nato đã có giấy chứng nhận kiểm tra hoạt chất trong sản phẩm ở Viện phát triển ứng dụng của trường ĐH Thủ Dầu Một. Nhóm cũng gửi mẫu sang một công ty khác để kiểm tra hoạt chất có trong kẹo, các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm như vi sinh, đường, đạm kiểm tra tại trường và được gửi đến các trung tâm kiểm định để bảo đảm hơn về mặt pháp lý.
Đồng thời, trước khi tự tin đem sản phẩm dự thi, 100 giảng viên của trường đã sử dụng sản phẩm trong thời gian 1 tháng và có phản hồi tốt về sản phẩm, ngủ ngon giấc, giảm mệt mỏi. Như vậy, tiềm năng sản phẩm đã có, sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm. “Bằng chứng là đã có một số tổ chức, cá nhân liên hệ với chúng em với mong muốn phát triển sản phẩm. Trong tương lai, khi đã đầy đủ giấy tờ về mặt pháp lý, sản phẩm sẽ được thương mại hóa. Tiếp theo đó, chúng em sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm hơn như kẹo dẻo có thể để ở nhiệt độ phòng, kẹo cứng”, Huỳnh Phương cho biết.
HỒNG THÁI