Thực hiện chủ trương tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cấp học, năm học 2019-2020 trường THCS Chánh Nghĩa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tiến hành hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Hội thi học sinh tìm hiểu pháp luật
Theo chương trình chính khóa, học sinh từ khối 6 đến khối 9 mỗi tuần được học một tiết giáo dục công dân, trong đó có một số nội dung về pháp luật. Nội dung giảng dạy pháp luật thường có tính khô khan, ít gây sự chú ý, tiếp thu cho người học. Do vậy, thời gian qua, Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên trực tiếp đứng lớp đã thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các hình ảnh, người thật, việc thật liên quan đến bài giảng; tạo các nhóm thi giải quyết các tình huống pháp luật có thưởng trong giờ học. Ngoài ra, trường còn cấp phát rộng rãi các tài liệu phổ biến pháp luật (sổ tay phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tài liệu giáo dục an toàn giao thông, giáo dục giới tính...). Từ đó, các tiết học về pháp luật đã có sự tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh, tạo ra sự sôi nổi, cởi mở, giúp người học tiếp cận nội dung một cách tự nhiên.
Ngoài chương trình chính khóa, nhà trường đã chỉ đạo thực hiện tốt việc lồng ghép công tác phổ biến pháp luật cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt truyền thống; gắn giáo dục, phổ biến pháp luật với giáo dục đạo đức, lối sống và nhân cách, góp phần củng cố những tri thức được học trong chương trình, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin pháp luật, đồng thời rèn luyện, uốn nắn hình thành hành vi ứng xử theo chuẩn mực pháp luật quy định. Thông qua các buổi học, giáo viên sẽ định hướng cho học sinh những giá trị cao đẹp của người công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, nước ta tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, có nhiều cơ hội và thách thức đan xen; mặt trái cơ chế thị trường đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến đạo đức, lối sống, nhân cách của học sinh. Việc thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho học sinh là một yêu cầu khách quan đối với các trường phổ thông, nhằm rèn giũa, mài sáng tâm đức, chuẩn bị một cách có hệ thống cho thế hệ trẻ vào đời, biết sống và làm việc theo pháp luật, góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, nền nếp và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN THỊ LAN (Giáo viên trường THCS Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một)