Theo các chuyên gia, để tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia mang lại, doanh nghiệp (DN) trong nước cần đáp ứng “luật chơi chung” của nhiều đối tác quốc tế, đó là tuân thủ nghiêm ngặt, minh bạch quá trình truy xuất nguồn gốc (TXNG) hàng hóa, nhất là sản phẩm nông sản.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm tại một gian hàng tham gia Hội chợ cung cầu nông sản Bình Dương năm 2018. Ảnh: TIỂU MY
Hướng đi tất yếu
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã quy định về việc áp dụng hệ thống TXNG. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga, Singapore… từ năm 2005 đã đưa ra yêu cầu các lô hàng nhập khẩu phải có khả năng TXNG khi gặp sự cố về chất lượng.
Bằng công nghệ TXNG, các DN có thể cung cấp nhanh đến người tiêu dùng những thông tin chi tiết hơn về xuất xứ sản phẩm như nơi sản xuất, nơi đóng gói, dùng nguyên liệu gì; nếu là sản phẩm nông sản thì dư lượng thuốc trừ sâu bao nhiêu, có sử dụng phân bón hóa học hay kháng sinh không. Thậm chí, các thông tin về ngày tháng, thời gian thu hoạch, lưu kho và xuất đi cũng có thể được nhà sản xuất cung cấp thông qua công nghệ TXNG.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai, trường Đại học Thủ Dầu Một, với DN, TXNG là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết; còn về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Chính sự ràng buộc về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe và kiểm soát được chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Ghi nhận cho thấy, trên thị trường hiện nay, mức độ thông tin chính xác, sự đồng nhất và thông tin minh bạch vẫn còn là điểm hạn chế. Cụ thể, tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, việc quét QR code (mã vạch hai chiều) trên nhiều sản phẩm được bày bán công khai hiện nay chỉ mới nhận được những thông tin nơi sản xuất, thông tin về DN, thay vì nhận được thông tin đầy đủ về sản phẩm qua từng công đoạn theo đúng quy định.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) - tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, cho rằng hiện nay, rất ít chuỗi nông sản trong nước được xây dựng và vận hành chuyên nghiệp; các nhân tố chuỗi thiếu sự hợp tác, lấy lợi nhuận làm mục tiêu, hậu quả là người sản xuất chịu thiệt thòi nhất trong chuỗi. Từ đó dẫn đến việc người tiêu dùng trong nước thiếu lòng tin vào các nông sản Việt Nam, sẵn sàng trả tiền cao cho các nông sản nhập khẩu; xuất khẩu nông sản chưa đa dạng, thị trường các nước khác còn bỏ ngỏ…
Ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0
Điểm yếu nói trên cũng đã được Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đề câp tại hội thảo TXNG hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại mới đây. Tại hội thảo, ông An cho rằng ở Việt Nam, TXNG là một hoạt động còn khá mới, DN và người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa của TXNG, chưa hiểu đúng bản chất của TXNG. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng hệ thống TXNG cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.
Tại Bình Dương, theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, sở đang tham mưu UBND tỉnh chương trình TXNG cho sản phẩm nông nghiệp. Việc thực hiện TXNG trên sản phẩm nông sản địa phương sẽ tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng, DN và cho chính nông sản, thực phẩm của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Ông Cường cho biết, việc áp dụng TXNG và quản lý nông sản địa phương bằng ứng dụng công nghệ cao là một việc cần thiết, trong đó ứng dụng TXNG sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu đến những thị trường khó tính.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với nhiều công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… kết hợp với các thiết bị phần cứng và chip điều khiển ngày càng nhỏ hơn. Việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc TXNG nói riêng và mọi mặt đời sống nói chung đang là xu thế hiện nay. Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), cho biết công ty đã chuẩn bị quy trình làm TXNG hơn 1 năm nay. Hiện công ty triển khai ứng dụng blockchain vào quy trình TXNG nông sản.
Theo các chuyên gia, DN, nông dân Việt Nam rất sáng tạo và ứng phó nhanh với những diễn biến của thị trường. Nếu như có những “đầu bài” rõ ràng họ sẽ làm tốt. Thực tế cho thấy, chính nhờ những đòi hỏi thực tế này nên xuất khẩu rau quả cũng như các nông sản khác của nước ta vào Trung Quốc thời gian qua mới trở thành chính ngạch, từ đó nông sản trong nước có cơ hội vươn xa…
Ngày 19-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về TXNG; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TXNG để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
TIỂU MY