Ngày 13-3, luật sư Prokopis Pavlopoulos 65 tuổi, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp chính thức nhận bàn giao chức vụ từ người tiền nhiệm là đương kim Tổng thống Karolos Papoulias, trở thành tân Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp.
Ứng viên P. Pavlopoulos trình bày cương lĩnh tranh cử trước các nghị sĩ quốc hội.
Sinh ngày 10-7-1950 tại thành phố cảng Kalamata, Hy Lạp, trong một gia đình có cha là giáo sư nổi tiếng Vasilios Pavlopoulos. Sau khi tốt nghiệp trung học, năm 1968 P. Pavlopoulos thi đậu vào Trường Luật của Viện Đại học Athens (NKUA), và tốt nghiệp với tấm bằng đỏ xuất sắc. Trong thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Pavlopoulos đã tình nguyện gia nhập đảng Dân chủ Mới (ND), là một trong 2 chính đảng chủ chốt trên chính trường Hy Lạp.
Đầu năm 1975, luật sư trẻ tuổi P. Pavlopoulos nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hy Lạp, để học thạc sĩ tại Trường Luật Panthéon-Assas thuộc Viện Đại học Paris (Pháp), và sau đó chuyển tiếp lên học tiến sĩ về Luật Hành chính công. Sau khi trở về Hy Lạp, Pavlopoulos gia nhập quân đội và nằm trong Binh chủng Thông tin từ năm 1978 đến 1979.
Năm 1980, Pavlopoulos làm trợ giảng tại Viện NKUA, một năm sau trở thành giảng viên chính thức. Năm 1983, ông là trợ lý giáo sư, rồi được phong hàm Phó giáo sư vào cuối năm 1986. Năm 1989, Pavlopoulos được Hội đồng Chức danh Khoa học Nhà nước chính thức phong hàm Giáo sư Luật Hành chính công, cũng trong thời gian này ông trở thành giáo sư thỉnh giảng ở Trường luật Panthéon-Assas.
Đúng ra sự nghiệp chính trị của Pavlopoulos bắt đầu từ khi vừa tốt nghiệp đại học, năm 1974 khi P. Pavlopoulos được chọn làm thư ký riêng cho quyền Tổng thống Michail Stasinopoulos (1903-2002), người đang đảm nhiệm vị trí Bí thư ND. Từ tháng 11-1989 đến tháng 4-1990, giáo sư P. Pavlopoulos được Thủ tướng Xenophon Zolotas chỉ định làm Người phát ngôn của Chính phủ với chức Bộ trưởng.
Dưới thời Tổng thống Konstantinos Karamanlis (1907-1998), nhà sáng lập đảng ND cũng là người từng đi vào lịch sử như là một trong những chính khách Hy Lạp sáng giá nhất qua 4 lần giữ chức Thủ tướng, giáo sư P. Pavlopoulos trở thành cố vấn chủ chốt về luật pháp suốt nhiệm kỳ 5 năm liền từ năm 1990-1995. Tháng 9-1995 P. Pavlopoulos được bổ nhiệm làm cố vấn chính trị, trở thành ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng ND kiêm Phát ngôn viên của thủ lĩnh M. Evert từ cuối tháng 4-1996.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp hồi đầu năm 2000, luật sư P. Pavlopoulos thuộc thành phần các ứng viên của ND đại diện thủ đô Athens đã trúng cử, đến giữa tháng 4/2000 ông được tín nhiệm bầu làm Người phát ngôn của Nghị viện. Từ đó đến nay ông Pavlopoulos liên tục đắc cử vào Quốc hội qua 5 nhiệm kỳ liên tiếp, trở thành một trong những nghị sĩ tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Hy Lạp.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội vào đầu tháng 3/2004, đảng ND đã giành chiến thắng vang dội khiến Chủ tịch ND Kostas Karamanlis có quyền đứng ra thành lập Chính phủ mà không cần liên minh với bất cứ đảng phái nào khác.
Ngày 10-3-2004, Thủ tướng K. Karamanlis đã công bố thành phần nội các mới, trong đó luật sư P. Pavlopoulos được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Cải cách hành chính. Tháng 7-2004, ông được Ban lãnh đạo ND nhất trí bầu làm thành viên Hội đồng Chính trị, tổ chức có thực quyền cao nhất trong đảng. Khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 9/2007, Thủ tướng K. Karamanlis đã sáp nhập Bộ Nội vụ và cải cách hành chính thành Bộ Nội vụ và Trật tự công cộng, Pavlopoulos trở thành vị chỉ huy tối cao của lực lượng Cảnh sát Quốc gia Hy Lạp.
Do để nền kinh tế trì trệ kéo dài đi kèm với vấn nạn nợ công, đảng ND đã thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng 1/2015, chuyển sang vị thế là chính đảng đối lập lớn nhất hiện nay. Thủ lĩnh đảng Liên minh Cánh tả cấp tiến (SYRIZA), vốn giành được nhiều ghế trong Quốc hội nhất là ông Alexis Tsipras được quyền đứng ra thành lập chính phủ.
Theo Hiến pháp của Cộng hòa Hy Lạp, tuy Quốc hội trực tiếp bầu ra tổng thống nhưng các ứng viên tổng thống bắt buộc phải do chính phủ đề nghị. Trước đó vào tháng 12-2014, ứng viên Nikos Alivizatos do Thủ tướng Antonis Samaras đề cử đã không được Nghị viện đồng thuận phê chuẩn sau 3 vòng bỏ phiếu, dẫn tới việc phải tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước thời hạn.
Sự kiện tân Thủ tướng A. Tsipras quyết định đề cử cựu Bộ trưởng Nội vụ P. Pavlopoulos làm ứng viên Tổng thống, chứng tỏ đường lối chủ trương dung hòa giữa các phe phái kình địch, cũng như đề cao vai trò ổn định tình hình trật tự trị an trong nước giữa bối cảnh nạn thất nghiệp chiếm tới 25% lượng người ở độ tuổi lao động, trong đó có 50% thanh niên dưới 25 tuổi. Kết quả với 238 phiếu thuận trên tổng số 300 phiếu nghị sĩ Quốc hội, vượt xa số phiếu cần thiết là 180 phiếu, ông Pavlopoulos đã đắc cử chức Tổng thống.
Tân Tổng thống P. Pavlopoulos là người ủng hộ chính sách cởi trói cho nền kinh tế, qua việc cương quyết xóa bỏ việc "thắt lưng buộc bụng" mà các định chế tài chính quốc tế ép buộc lâu nay. Giống như người tiền nhiệm K. Papoulias, Tổng thống P. Pavlopoulos thường công khai đòi CHLB Đức phải trả lại Hy Lạp số tiền khổng lồ, mà chính quyền Athens buộc phải cho quân đội Đức Quốc xã đang chiếm đóng vay trong Thế chiến II.
Vấn đề này là nguồn gốc của sự căng thẳng kéo dài giữa 2 nước suốt nhiều thập niên qua. "Tuy phía Đức biện minh qua lời Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble, rằng sự việc xảy ra quá lâu nên rất khó giải quyết, nhưng những đòi hỏi của Hy Lạp luôn dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng", ông Pavlopoulos khẳng định trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống của mình.
Ngoài tiếng Hy Lạp mẹ đẻ, tân Tổng thống P. Pavlopoulos còn sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Đức, tạo thuận lợi trong việc tham gia đàm phán trực tiếp với giới chủ nợ phương Tây. Về đời tư, tân Tổng thống P. Pavlopoulos có vợ là luật gia Vlassia Pavlopoulou-Peltsemi. Vợ chồng họ có 3 người con gồm con trai cả là Vasilis nối nghiệp cha mẹ hành nghề luật sư, con gái kế tên Maria là giảng viên đại học, và cô con gái út Zoe là giáo viên tiểu học.
Theo CAND