Đà Nẵng đã trở thành điểm đến toàn cầu với sự hiện diện của hơn 10.000 đại biểu cùng tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam cũng lần đầu tiên diễn ra đối thoại không chính thức với nhà lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các chuyên gia cho rằng, các phiên thảo luận cấp cao như cấp bộ trưởng đều rất sôi nổi và có nhiều nội dung mới. Sở dĩ có sự sôi nổi như vậy là vì năm nay nổi lên sự cọ xát rất mạnh giữa 2 luồng ý kiến. Nhóm thứ nhất ủng hộ thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tự do, mở cửa hơn nữa; một xu hướng khác nổi lên là chủ nghĩa bảo hộ. Đây cũng là điểm khác biệt nhất so với các kỳ họp APEC trước đây.
Điều đáng mừng là đa số các nền kinh tế APEC đều ủng hộ xu hướng thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết và hội nhập sâu rộng hơn nữa. Việt Nam chính là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường APEC mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu: “Dù có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không thì chúng ta vẫn phải hội nhập”. Thực tế những gì đã diễn ra tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa qua cho thấy, các nền kinh tế thành viên quyết tâm đi theo con đường hội nhập sâu rộng. Tự do hóa thương mại đang là xu thế chung của tất cả các quốc gia.
HOÀNG PHONG