Có những gia đình với truyền thống thật vẻ vang, tự hào. Bởi, những thăng trầm, biến cố của gia đình cũng gắn liền với một giai đoạn lịch sử của quê hương, đất nước. Tôi đã nghĩ vậy khi được tiếp xúc với tài liệu viết về liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy - một người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Sông Bé -Bình Dương…
Học sinh nghèo vượt khó nhận học bổng Huỳnh Văn Lũy Ảnh: H.THÁI
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh và 100 năm ngày sinh của liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy, tôi được đọc nhiều bài viết về người chiến sĩ cách mạng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ: 39 tuổi đời, 20 tuổi Đảng, 21 năm hoạt động cách mạng mới thấy hết những điều rất đáng để tự hào. Đó là niềm tự hào của một gia đình luôn đặt tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc lên trên hết!
Liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy (17.5.1917 - 15-7.1956), bí danh là Dũng Tiến, quê quán tại xã Mỹ Quới, Tân Uyên, Biên Hòa (nay là xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội của liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy là Huỳnh Hữu Phụng, từng tham gia nghĩa quân Trương Định kháng chiến chống Pháp và hy sinh. Năm 1935, khi Chi bộ Đảng Bình Phước - Tân Triều được thành lập (là chi bộ đầu tiên của tỉnh Biên Hòa cũ), đồng chí Huỳnh Văn Lũy là thanh niên hạt nhân của tổ chức “Liên đoàn học sinh” hoạt động trong phong trào học sinh địa phương. Ngày 17-2-1936, khi mới 19 tuổi, đồng chí Huỳnh Văn Lũy được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1937, làm Bí thư Chi bộ Đảng xã Mỹ Quới.
Từ năm 1940 đến 1945, một giai đoạn lịch sử có nhiều biến cố trọng đại của đất nước, đồng chí Huỳnh Văn Lũy tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, bị bắt và bị giam cầm, tù đày tại Bà Rá, Hớn Quản (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Ra tù, đồng chí tiếp tục móc nối với các đảng viên khác tham gia cuộc cách mạng tháng 8-1945 tại Tân Uyên. Một dấu mốc đáng nhớ là đêm 23-9-1945, đồng chí tham gia Hội nghị cán bộ Đảng tỉnh Biên Hòa và được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Đến tháng 11-1946, đồng chí làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa.
Năm 1947-1948, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh. Năm 1951, tỉnh Thủ Biên được thành lập (Thủ Dầu Một và Biên Hòa), đồng chí Huỳnh Văn Lũy được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức và kiểm tra Đảng. Tháng 7-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đồng chí được Trung ương Cục miền Nam bố trí ở lại để lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương với chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên rồi làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, quyền Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa (năm 1955).
Những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã có nhiều thành tích, đóng góp rất lớn cho sự nghiệp gìn giữ, giành độc lập vĩ đại của quê hương, đất nước. Từ một học sinh yêu nước, đồng chí đã kêu gọi, giác ngộ theo lý tưởng cách mạng cho rất nhiều thanh niên tại địa phương. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), đồng chí cũng đã tổ chức diễn thuyết, thành lập nhiều tổ chức Ái hữu ở quê nhà để đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản, xây dựng và phát triển các chi bộ ở Long Thành, Xuân Lộc (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và Tân Uyên… Giai đoạn 1947- 1951, với vai trò Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh và Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt, đồng chí đã giữ vai trò hạt nhân trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, ủng hộ và phát triển các phong trào “Hũ gạo nuôi quân”, “Mùa đông binh sĩ”… từ vùng đô thị, nông thôn để ủng hộ kháng chiến. Tinh thần quyết tâm đoàn kết, hy sinh cho kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân miền Đông Nam bộ nói chung, Thủ Biên nói riêng, có sự đóng góp rất lớn của đồng chí Huỳnh Văn Lũy.
Học bổng Huỳnh Văn Lũy được thành lập từ năm 1990, do gia đình cùng các nhà hảo tâm và cựu học sinh trường THCS Tân Uyên đóng góp. Hàng năm vào dịp khai giảng và tổng kết năm học, quỹ học bổng này trao khoảng 60 - 70 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở các trường: Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Lũy, Lê Thị Trung và THCS Thường Tân. Có hàng ngàn suất học bổng đã được trao tặng và giúp học sinh nghèo vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đã có nhiều học sinh nhận học bổng này trở thành những người thành đạt tiếp tục đóng góp công sức để xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu mạnh. Vào dịp lễ, tết, những người con cháu của dòng họ Huỳnh Văn cũng tự nguyện đóng góp để tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn ở quê nhà. |
Đặc biệt, trong trận bão lụt năm Nhâm Thìn - 1952, đồng chí đã vận động nhân dân bị địch tạm chiếm, nông dân từ vùng ít bị thiên tai như Trảng Bom, Long Thành (Đồng Nai hiện nay) hàng chục giạ lúa, hàng tấn giống khoai mì về vùng căn cứ Chiến khu Đ giúp cách mạng vượt qua khó khăn trong phong trào sản xuất tự túc để tiếp tục chiến đấu sau cơn bão lụt lịch sử đó. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy cũng là người thầy, người đàn anh đào tạo các thế hệ lãnh đạo cách mạng để sau này họ tham gia trong cuộc chiến chống Mỹ như các đồng chí: Ngô Bá Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa năm 1959; Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa năm 1964; đồng chí Nguyễn Văn Luông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé… Cuộc đời của đồng chí Huỳnh Văn Lũy gắn liền với những cột mốc quan trọng của chiến trường cách mạng Thủ Biên, Chiến khu Đ… Ngày 15-7-1956, trên đường đi công tác, đồng chí bị địch phục kích, bao vây và đã anh dũng hy sinh…
Điều đáng tự hào nữa là người bạn đời của đồng chí Huỳnh Văn Lũy (mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hớn, quê Bạch Đằng) cũng là một người cách mạng kiên trung. Có chồng là cán bộ nòng cốt khởi nghĩa Nam kỳ, vợ của đồng chí Huỳnh Văn Lũy hết lòng phụng dưỡng cha mẹ chồng, chăm sóc, nuôi dưỡng các con để chồng yên tâm hoạt động cách mạng. Khi liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy bị bắt, tù đày, vợ ông cũng lặn lội thăm nuôi, động viên chồng cùng đồng chí luôn kiên trung, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.
Như nhiều gia đình khác trong thời chiến, gia đình đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã phải mất mát quá lớn khi có 5 người thân đã hy sinh. Theo ông Huỳnh Văn Nhị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cũng như những người thân của ông, gia đình luôn tự hào về người ông, người cha của mình. Và đặc biệt hơn, đây cũng là gia đình có 3 mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ, bà nội, bà ngoại của ông Huỳnh Văn Nhị. Tự hào với truyền thống gia đình mình, ông Huỳnh Văn Nhị cho biết: “Ngày 15-7 năm nay, gia đình chúng tôi tổ chức giỗ lần thứ 60 ngày liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy hy sinh cũng như 100 năm ngày sinh của thân phụ và thân mẫu tôi. Tổ tiên ông bà luôn là điều thật sự thiêng liêng trong mỗi một người thân của dòng tộc Huỳnh Văn. Tôi cũng muốn đây là dịp sum vầy của người thân trong gia đình dòng tộc, của những thế hệ bằng hữu trong gia đình đã cùng nhau đi qua một đoạn đường lịch sử cam go để có một ngày an bình, hạnh phúc như hôm nay…”.
Để ghi nhớ công lao của người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tên của liệt sĩ Huỳnh Văn Lũy đã được đặt cho một xưởng in, một trường Đảng ở căn cứ kháng chiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tên ông được đặt cho một con đường tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và một con đường tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, còn có một trường THCS mang tên ông tại quê nhà Bạch Đằng, TX.Tân Uyên ngày nay. Gia đình còn lập một quỹ học bổng mang tên ông để tặng cho học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn.
QUỲNH NHƯ