Tuyên truyền pháp luật trong học sinh, sinh viên: Đa dạng hình thức tuyên truyền

Cập nhật: 03-03-2016 | 08:16:49

Xác định việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV) là cần thiết trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong tình hình hiện nay, hàng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo đã xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong các trường học và đạt một số kết quả khả quan.

Công an phường Phú Hòa và cán bộ trường Đại học Thủ Dầu Một tuyên truyền pháp luật đến sinh viên đang sinh sống, học tập trên địa bàn Ảnh: T.TRINH

Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết đa số HSSV đều có tinh thần yêu nước, tin vào đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm các chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, nhiều tấm gương HSSV nghèo vượt khó, tự giác tu dưỡng, sống có ích cho xã hội. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận HSSV có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, sống ích kỷ, không lành mạnh, vi phạm pháp luật… nên công tác tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong trường và các tổ chức khác trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỹ năng cho HSSV luôn phải được chú trọng.

Thời gian qua, các đơn vị đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong HSSV, tăng cường các biện pháp quản lý, phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, ký túc xá; không để học sinh tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Kết quả trong năm 2015, không có vụ việc nghiêm trọng nào về an ninh trật tự (ANTT) xảy ra liên quan đến học sinh sinh viên.

Ngoài ra, ngay từ đầu các năm học, Sở Giáo dục - Đào tạo đã triển khai công văn hướng dẫn công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học. Trong đó chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, lựa chọn nội dung phù hợp với từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV trong nhà trường. Các luật thường được tuyên truyền như: Luật Giáo dục, Luật Cán bộ công chức, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống ma túy…

Để HSSV tiếp nhận kiến thức luật một cách hiệu quả, các trường đã triển khai đồng bộ, kết hợp giáo dục chính khóa với hoạt động ngoại khóa, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của ngành hoặc thông qua các hội nghị, các buổi tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật, tiểu phẩm, các đợt ra quân tuyên truyền… qua đó đã nâng cao được chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác phối hợp trong việc bảo đảm ANTT cho các trường học cũng được thực hiện một cách thường xuyên giữa nhà trường, các cơ sở giáo dục với chính quyền, lực lượng công an địa phương, phụ huynh và các đoàn thể, từ đó mang lại kết quả khá tốt. Ngoài ra, các trường học, cơ sở giáo dục được hỗ trợ một cách kịp thời và đúng lúc của lực lượng công an, chính quyền địa phương trong việc xử lý những sự cố bất thường về ANTT. Điển hình như trường hợp của anh Trần Đại Nam, sinh viên của trường Đại học T. bị đối tượng xấu lừa lấy máy tính xách tay ngay trong lớp học. Anh Nam nhanh chóng trình báo công an phường. Nhận được tin báo, lực lượng công an đã điều tra, xác định được đối tượng là Nguyễn Thị Hồng Thoan (SN 1995, ngụ Bình Định) đã trà trộn vào trường, giả dạng sinh viên lừa anh Nam lấy máy tính đem bán với giá 3 triệu đồng. Lực lượng công an đã nhanh chóng phối hợp tìm được máy tính về cho anh Nam.

Ngoài ra, định kỳ vào tuần đầu mỗi tháng, nhằm hưởng ứng “Ngày pháp luật”, các trường học đã lựa chọn hình thức thích hợp để phổ biến các văn bản pháp luật cho cán bộ giáo viên, HSSV. Qua đó, thông tin pháp luật được truyền tải một cách sinh động, dễ hiểu, thiết thực… nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, tình hình chuyển biến tích cực, HSSV có ý thức hơn trong việc tham gia phòng chống tội phạm.

Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh, cho rằng: “Để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong HSSV, đòi hỏi phải có sự thống nhất và đồng bộ, bảo đảm việc thực hiện thường xuyên công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường, giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường trong công tác quản lý, tuyên truyền; công tác bảo đảm ANTT cho các trường học được xem là công tác thường xuyên và lâu dài, có như vậy mới bảo đảm môi trường học tập trong sạch, lành mạnh, nói không với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội…”.

 

 THỦY TRINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=885
Quay lên trên