Với áp lực đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, TX.Dĩ An khuyến khích nông dân phát triển mô hình nông nghiệp đô thị (NNĐT), nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Định hướng này bước đầu khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình trồng cà chua socola của anh Lư Văn Tuyên, ở phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Hiệu quả kinh tế cao
Không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực NNCNC, vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim Liên, ở phường Tân Bình, TX.Dĩ An đã quyết tâm học hỏi, tìm tòi và áp dụng quy trình canh tác tiên tiến để mang đến sản phẩm nông nghiệp sạch cho khách hàng. Ban đầu, với diện tích đất khoảng 2.000m2, gia đình bà đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng xây dựng nhà màng, giống cây, hệ thống tưới để trồng dưa lưới, trong đó việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này cũng giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Đến nay, bà Liên đã là chủ trang trại dưa lưới An Nhơn (phường Tân Bình, TX.Dĩ An). Với mô hình trồng dưa lưới áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như tự động hóa từ khâu bón phân, tưới nước cho đến theo dõi, quản lý dịch bệnh, trang trại dưa lưới của gia đình bà phát triển ổn định, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mỗi tháng vườn dưa lưới của gia đình bà cho thu hoạch khoảng 1 tấn, giá bán tại vườn khoảng 45.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh những nông dân là người địa phương, diện mạo xanh tươi trên vùng đô thị Dĩ An còn được góp sức bởi bàn tay và khối óc của những người dân từ khắp mọi miền đất nước. Anh Lư Văn Tuyên, quê Hải Dương vào TX.Dĩ An lập nghiệp. Năm 2014, anh thuê 5.000m2 đất và đầu tư hơn 1 tỷ đồng để làm nhà lưới trồng rau an toàn tại phường Tân Bình. Anh Tuyên chia sẻ, trước kia, đất ở đây vốn là đất sét, sỏi đá nhiều nên không trồng được gì. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật và cải tạo đất chưa hợp lý, các loại rau màu anh trồng xuống đều bị sâu bệnh mà chết. Sau đó, với sự giúp đỡ của Phòng Kinh tế TX.Dĩ An, trong quá trình cải tạo đất gia đình đã dần dần ổn định sản xuất. Hiện nay, mỗi ngày vườn rau của gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 200kg rau ăn lá các loại, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg.
Không chỉ trồng các loại rau ăn lá, anh Tuyên còn tìm ra nhiều giống cây trồng mới đang được thị trường ưa chuộng. Một trong số đó là cà chua socola, loại cà chua có nguồn gốc xuất xứ từ Nga, có hàm lượng dinh dưỡng cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Tháng 7-2017, anh tìm trên mạng và mua giống cà chua này về trồng với diện tích khoảng 300m2. Sau khoảng thời gian 85 ngày cà chua bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài liên tục trong vòng 3 - 5 tháng nếu chăm sóc tốt. Cà chua socola được anh bán tại vườn giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Nhận thấy mô hình trồng cà chua này mới lạ và sản lượng cung cấp cho thị trường không đủ nên thời gian tới, anh sẽ trồng thêm giống cà chua socola.
Nâng chất nông nghiệp đô thị
Theo Phòng Kinh tế TX.Dĩ An, trên địa bàn thị xã hiện có khoảng 70 mô hình NNĐT với diện tích hơn 10 ha. Hầu hết các mô hình này đều phát huy hiệu quả kinh tế, cho thu nhập từ 600 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm. Thời gian qua, phòng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tổ chức cho nông dân học tập mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh khác. Những mô hình trồng hoa lan cắt cành, hoa kiểng lá ở huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh; mô hình nấm linh chi ở huyện Định Quán, Đồng Nai đã được bà con tham quan tìm hiểu và áp dụng hiệu quả.
Để tạo động lực phát triển các mô hình NNĐT tiếp tục phát triển, trong thời gian tới, TX.Dĩ An sẽ tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tăng vốn hỗ trợ để nông dân đầu tư phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, thị xã chú trọng tập hợp, liên kết nông dân vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc thù, góp phần ổn định giá cả, thị trường tiêu thụ để nông dân an tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TX.Dĩ An cho biết, thời gian qua trạm luôn tạo điều kiện hỗ trợ nông dân cây giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nên cây sinh trưởng tốt, khả năng thu hồi vốn nhanh. Bằng sự năng động, sáng tạo của mình, nhiều nông dân đã vượt qua thử thách, cải tiến kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm làm ra…
Trong điều kiện đô thị phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc lựa chọn phát triển mô hình NNĐT phù hợp là một hướng đi tất yếu. Có thể thấy, TX.Dĩ An đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhưng với định hướng phát triển đúng đắn cùng sự năng động, sáng tạo của người nông dân, bà con vẫn tìm được nhiều cơ hội để gắn bó và vươn lên từ nông nghiệp.
QUỲNH NHIÊN