Cuộc điều tra luận tội Tổng thống khiến Washington "xáo trộn" gần đây không phải là lần đầu tiên Ukraine “vướng vào” một cơn bão chính trị Mỹ.
Ukraine là tên gọi xuất phát từ một từ có nghĩa là "vùng đất biên giới". Đúng như cái tên, kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ukraine đã trở thành vùng biên giới của cuộc xung đột giữa phương Đông và phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN
Ngay cả vị trí trên bản đồ của Ukraine cũng cho thấy điều này khá rõ ràng: Ukraine bị kẹp giữa Nga và EU. Không giống như những quốc gia như Ba Lan hay Hungary, Ukraine chưa gia nhập NATO. Quốc gia này dù có cùng biên giới với EU nhưng vẫn chưa trở thành thành viên của Liên minh này.
Là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, Ukraine nhận nhiều sự hỗ trợ của Mỹ. Từ năm 1992, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã chi hơn 3 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cho Ukraine.
Tại sao việc giữ ổn định một quốc gia bên rìa châu Âu lại là một ưu tiên của Mỹ? Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới chính là vũ khí hạt nhân. Sự sụp đổ của Liên Xô đã tạo thành một cơn ác mộng tiềm ẩn với các nhà hoạch định chính sách: Ukraine - một quốc gia độc lập, chỉ xuất hiện trên bản đồ chưa lâu, sau khi kế thừa một phần di sản của kho hạt nhân Liên Xô, đã trở thành nơi có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới.
Mối ngờ vực của Kremlin
Năm 1994, Mỹ cùng với Anh, Nga và Ukraine đã ký kết một bản ghi nhớ nhằm cung cấp cho Kiev những đảm bảo về mặt an ninh. Đổi lại, Ukraine sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời các bên ký kết phải cam kết duy trì sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine.
Tuy nhiên, điện Kremlin xem xét điều này với một thái độ nghi ngờ và thận trọng khi NATO mở rộng về phía đông, bao gồm cả những quốc gia vùng Baltic từng theo Liên Xô. Theo CNN nhận định, với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc Ukraine ngả theo phương Tây là điều không thể chấp nhận được.
Năm 2014, Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này sau 1 cuộc trưng cầu dân ý. Mỹ và đồng minh của Washington sau đó đã áp một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga vì động thái này cũng như sự ủng hộ của Nga với phe ly khai ở miền đông Ukraine. Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Kiev mặc dù chính quyền Tổng thống Obama từng cắt giảm hỗ trợ quân sự cho nước này.
Chính sách này của Tổng thống Obama từng bị cố Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain gọi là không thỏa đáng vào năm 2015. Tuy nhiên, trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, đảng Cộng hòa dường như cũng dao động khi chiến dịch của Tổng thống Trump đã thay đổi một số ngôn từ trong cương lĩnh của đảng nhằm thực hiện việc chính phủ Mỹ cử quân đội tới Ukraine và tăng cường những nỗ lực chống tham nhũng của quốc gia này.
Ukraine và những "dây mơ rễ má" với chính trường Mỹ
Khi hội nghị đảng Cộng hòa năm 2016 diễn ra, tâm điểm của nó tập trung vào mối liên hệ về mặt tài chính giữa chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump - ông Paul Manafort với Ukraine. Ông Manafort từng là một cố vấn chính trị cho cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych và đảng cầm quyền thân Nga của Tổng thống này - người đã chạy sang Nga sau các cuộc biểu tình bạo loạn năm 2014.
Ông Manafort hiện đã bị giam giữ sau khi bị tuyên án hồi đầu năm nay vì tội gian lận thuế, che giấu các tài sản ngân hàng ở nước ngoài và lừa đảo 2 ngân hàng với khoản nợ hơn 4 triệu USD.
Vụ việc của ông Manafort đã cho thấy một lượng lớn số tiền mờ ám dường như đều đang xoay quanh Ukraine. Năm 2016, nghị sĩ Ukraine Sergey Leshchenko đã công bố một "cuốn sổ cái đen, từng là danh sách mật” gồm các khoản tiền của Đảng các Vùng miền của ông Yanukovych cho tới ông Manafort và những người khác.
Cuốn sổ cái này còn chỉ ra những lùm xùm mới đây khi hồi năm ngoái, ông Rudy Giuliani - luật sư riêng của Tổng thống Trump công bố một bài viết về sự can thiệp bên ngoài trong cuộc bầu cử năm 2016, trong đó có cho biết điều này có thể được phát hiện từ các mối quan hệ của đảng Dân chủ ở Ukraine.
Ông Giuliani cũng đưa ra khẳng định rằng ông Leshchenko - người từng là cố vấn chiến dịch tranh cử của Tổng thống Zelensky đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 - một nhận định mà ông Leshchenko cho biết là đã bị tòa án Ukraine bác bỏ vào tháng 7/2019.
Chưa dừng lại ở đó, ông Giuliani cũng tập trung vào một diễn biến khác về Ukraine khi hối thúc cuộc điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông Hunter Biden - người đang có hoạt động làm ăn với công ty khí tự nhiên Ukraine là Burisma. Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào về hành động sai trái của ông Joe Biden hay con trai ông liên quan đến Ukraine
Những lùm xùm về Ukraine trong lịch sử
Chính quyền Tổng thống Trump đã nhất trí cử quân đội tới Ukraine, trong đó điều cả những tên lửa diệt tăng Javelin. Tuy nhiên, việc ông Trump hoãn cung cấp gói hỗ trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine được hiện đang trở thành tâm điểm trong bản tố cáo của một người tiết lộ về cuộc điện đàm Trump – Zelensky hồi tháng 7, đồng thời là lý do để đảng Dân chủ khởi động quá trình điều tra luận tội ông Trump.
Những câu hỏi vẫn được đặt ra về cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky khi ông Trump bị cáo buộc là đã gây sức ép để Kiev điều tra nhà Biden.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ "rơi vào tình huống khó xử" vì Ukraine.
Ngày 1/8/1991, Tổng thống George H.W Bush đã có bài phát biểu trước Quốc hội Ukraine khi Liên bang Xô viết bên bờ sụp đổ. Trong bài phát biểu của mình, ông Bush đã cảnh báo về "chủ nghĩa dân tộc tự sát", đồng thời bày tỏ những lo ngại về những nguy cơ bạo loạn khi một siêu cường hạt nhân như Liên Xô tan vỡ.
Nhận định của Tổng thống Bush từng bị chỉ trích vào thời điểm đó song đến nay khi nhìn nhận lại, người ta đã thấy tính đúng đắn của nó.
Cuộc xung đột sắc tộc đã chia rẽ Nam Tư trong khi tại Liên Xô, cuộc chiến tranh giữa người Amernia và Azerbaijan tại vùng núi bao quanh Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên chính quyền Tổng thống Bush đã hiểu sai về mong muốn hình thành một nhà nước của Ukraine. Chỉ trong vài tuần, Quốc hội Ukraine đã tuyên bố độc lập và người dân Ukraine đã bỏ phiếu áp đảo trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Liên Xô.
Nhìn lại lịch sử để thấy rằng sự chỉ trích những bình luận của ông Bush về Kiev dường như khá lạ lùng so với tranh cãi chính trị hiện đang tấn công Washington. Và cơn bão này có thể sẽ lại "nhấn chìm" Ukraine trong những rắc rối mới./.
Theo TTXVN