Ưu tiên bố trí vốn cho công tác đền bù các công trình trọng điểm

Cập nhật: 07-04-2022 | 08:55:38

Chiều 6-4, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đầu tư công (ĐTC) năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ ĐTC năm 2022. Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh có ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Ông Võ Văn Minh (bên trái, hàng trên), Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tổng kết công tác đầu tư công năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ đầu tư công năm 2022

Nỗ lực giải ngân

Theo báo báo, ngay từ đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Tổng giá trị giải ngân kế hoạch ĐTC trong năm 2021 (bao gồm kế hoạch năm 2020 kéo dài) đến ngày 31-1-2022 hơn 8.333 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch và 78,75% so với cùng kỳ năm 2020.

"Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương. Thời gian tới, UBND tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy liên quan đến công tác ĐTC; đẩy mạnh công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ĐTC; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn các dự án giao thông, y tế, giáo dục; thúc đẩy tiến độ các dự án thành phố thông minh”.

(Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh)

Trong năm, tỉnh đã khởi công một số công trình như Trung tâm Hành chính huyện Bắc Tân Uyên, cầu bắc qua sông Đồng Nai, kho lưu trữ của Sở Tài nguyên và Môi trường, trường tạo nguồn Phú Giáo, trường THCS Mỹ Thạnh… hoàn thành, đưa vào sử dụng 30 dự án.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng, cho biết: “Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, đặc biệt là sau khi tỉnh quay lại trạng thái “bình thường mới”. Qua đó, đã góp phần vào việc kích cầu đầu tư xã hội, duy trì tăng trưởng năm 2021 ở mức phù hợp và tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình phục hồi kinh tế”.

Còn nhiều vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ĐTC của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân kế hoạch ĐTC đạt thấp so với cùng kỳ, nhiều dự án bị chậm tiến độ... Công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vẫn là điểm nghẽn chính trong giải ngân vốn ĐTC, chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Công tác thẩm định, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện bồi thường.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Năm 2021, thành phố giải ngân ĐTC chỉ đạt 38,5% do vốn giao cao, chủ yếu đền bù giải tỏa. Hiện TP.Thuận An đang triển khai các dự án nhưng đến hết quý I-2022 tỷ lệ giải ngân rất thấp, khó khăn về đơn giá đất đền bù. Cụ thể, về đền bù giá đất cho dân trong khu tái định cư, theo quyết định giao đất thời điểm nào cho dân thì tính tiền thời điểm đó. Nhưng đến nay người dân không đồng thuận đền bù theo giá trước đây, đòi hỏi phải đền bù theo giá thị trường hiện nay”.

Báo cáo trước UBND tỉnh về những khó khăn trong đền bù giải tỏa, ông Trần Sỹ Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Công tác đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố gặp nhiều khó khăn. Trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, từ khâu xác định giá đất đến khi phê duyệt đơn giá, giá đền bù giải tỏa của một số công trình đã tăng từ 3 - 4%, phải quay lại làm các thủ tục từ đầu khiến dự án bị chậm”.

Ưu tiên vốn đền bù giải tỏa

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, bảo đảm hoàn thành kế hoạch ĐTC năm 2022, UBND tỉnh đã đề ra 4 nhóm giải pháp trọng điểm, gồm nhóm giải pháp về trình tự, thủ tục; tổ chức thực hiện; cơ chế kiểm tra, giám sát; trình tự, thủ tục. Trong đó, tập trung rà soát các nguồn vốn bổ sung kế hoạch ĐTC năm 2022 cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân bổ sung, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

Đối với các dự án hoàn thành trong năm 2022, chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2022, tập trung thi công, đôn đốc nhà thầu, hoàn tất nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn; khẩn trương lập báo cáo quyết toán các dự án hoàn thành; hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán ngay cho khối lượng hoàn thành đủ điều kiện. Các dự án khởi công mới năm 2022 phải hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật; hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công để sớm khởi công công trình.

Đối với các dự án được bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư khẩn trương tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị đầu tư, bảo đảm chất lượng các khâu khảo sát, áp giá, thiết kế cơ sở… để giảm tối đa việc điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án; tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên trong công tác giải phóng mặt bằng.

Kết luận tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến ĐTC. Tuy nhiên, các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện. Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện sớm điều chỉnh vốn ĐTC, dồn lực cho các công trình trọng điểm, ưu tiên giải ngân vốn đền bù giải tỏa. Các chủ đầu tư phải có kế hoạch cụ thể gắn với tiến độ giải ngân, bồi thường.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện, thị, thành phố chỉ đạo quyết liệt, kiện toàn Hội đồng bồi thường; yêu cầu chủ tịch các huyện, thị, thành phố phải trực tiếp kiểm tra thực tế, sâu sát trong thực hiện, giải quyết kịp thời các khó khăn. “Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đều đi qua hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt TP.Dĩ An, TP.Thuận An, do đó đòi hỏi các địa phương rà soát lại, chủ động bố trí quỹ đất. Đối với các sở, ngành cần đẩy nhanh công tác thẩm định, rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ cho các công trình; chú trọng công tác chọn lựa các nhà thầu tư vấn, bảo đảm năng lực và hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, sâu sát chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất trong công tác đền bù giải tỏa”, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh. 

- Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Các chủ đầu tư cần phải quyết liệt, kiểm tra tiến độ thực trạng ngoài công trình để kịp thời xử lý, đồng thời nghiêm túc xây dựng kế hoạch, rà soát điều chỉnh vốn các dự án.
- Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay, công tác xác định đơn giá đất bồi thường khu tái định cư còn vướng mắc. Do trước đây vận động người dân nhận tiền nhưng lại không có quỹ đất giao cho dân, đến khi bồi thường giá đất hiện hành trên thị trường cao hơn và giá đất đền bù trước kia, khiến người dân không chấp nhận. Hiện các địa phương rất thiếu đất tái định cư, đề nghị các địa phương chủ động tạo quỹ đất sạch là đất tái định cư với vị trí tốt hơn vị trí định cư cũ.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=556
Quay lên trên