Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6), ngành thú y Bình Dương đã yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp phòng dịch, trong đó có siết chặt quản lý tình hình vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào.
Cán bộ kiểm dịch kiểm tra các xe vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại Chốt kiểm dịch động vật cầu Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Làm tốt công tác kiểm dịch
Thực hiện Công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào nước ta, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát lượng xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh.
Tại chốt kiểm dịch động vật của Trạm Thú y TP.Thủ Dầu Một, đặt tại chân cầu Phú Cường, luôn hoạt động 24/24 giờ; mỗi ngày có 3 ca trực, mỗi ca trực 8 tiếng đồng hồ. Ông Nguyễn Thế Trung, kỹ thuật viên tại chốt kiểm dịch động vật cầu Phú Cường cho biết, mỗi ngày chốt làm thủ tục kiểm soát vận chuyển cho khoảng 30 - 40 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua lại. Theo quy định, tất cả các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật bắt buộc phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật đang chuyên chở khi qua trạm. Cán bộ thú y sẽ kiểm đếm, kiểm tra dấu niêm phong chì cũng như hỗ trợ các chủ phương tiện phun hóa chất khử khuẩn.
Theo thống kê của các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh, đối với sản phẩm trâu, bò được nhập vào Bình Dương chủ yếu từ các tỉnh Gia Lai, Bến Tre, An Giang, Tây Ninh; đối với trứng gia cầm chủ yếu được nhập vào từ các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng; đối với sản phẩm động vật khác nhập vào tỉnh chủ yếu từ nước ngoài và một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Thừa Thiên - Huế. Riêng đối với sản phẩm động vật xuất đi từ tỉnh chủ yếu đến các địa phương Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Đà Nẵng, Thái Bình…
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, trong tháng 2-2017, công tác phúc kiểm tại 11 chốt kiểm dịch và Trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phú được triển khai hiệu quả. Cụ thể, các đơn vị đã thực hiện kiểm tra, phúc kiểm được 6.658 lượt phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với công tác kiểm soát vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, đây là một hoạt động hết sức quan trọng. Làm tốt công tác này sẽ ngăn chặn kịp thời các đàn gia cầm không rõ nguồn gốc, xử lý ngay những trường hợp giết mổ lậu, kinh doanh trái phép, từ đó hạn chế được khả năng làm lây nhiễm vi rút cúm từ địa phương khác vào Bình Dương. Do vậy, trong thời điểm này ngành thú y đặc biệt lưu ý đến công tác kiểm dịch động vật. Ngoài sự nỗ lực của ngành thú y, chính quyền địa phương cũng cần có sự hỗ trợ về nhân lực trong quá trình kiểm soát. Chủ các phương tiện vận chuyển cần tuân thủ quy định để góp phần hạn chế nguy cơ lây lan, bùng phát dịch cúm gia cầm.
Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y
Từ đầu năm đến nay, công tác kiểm soát giết mổ của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã được duy trì tốt. Hầu hết gia súc, gia cầm nhập lò đều có giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong khi đó, cán bộ thú y thực hiện tốt việc kiểm tra lâm sàng trước khi đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ. Từ đó đã kiểm soát được phần lớn lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ngăn chặn dịch bệnh lây lan thông qua việc giết mổ gia súc, gia cầm.
Riêng trong tháng 2-2017, đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với trạm thú y các huyện, thị, thành phố thực hiện 335 lượt thanh kiểm tra về dịch bệnh trên động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh động vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra đã tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, phòng chống dịch tại các trang trại chăn nuôi và điều kiện vệ sinh thú y tại các lò mổ gia súc, gia cầm tập trung. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 58 vụ vi phạm, xử lý hành chính 58 vụ; tiến hành tiêu hủy 250kg thịt bò, 50kg thịt heo, 390kg sản phẩm trâu, bò… không có nguồn gốc, không có sự kiểm soát của cơ quan thú y.
Hiện trên địa bàn tỉnh tuy chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào nhưng công tác phòng, chống dịch luôn được ngành chức năng bảo đảm kịp thời và hiệu quả. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức Tháng tổng vệ sinh tiêu độc phòng dịch theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đã thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại sau mỗi đợt tiêm phòng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm tốt nhất chất lượng sản phẩm động vật tiêu thụ trên thị trường. Đối với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tự tổ chức thực hiện phun xịt hóa chất sát trùng 3 ngày một lần.
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, tới đây đoàn kiểm tra của chi cục sẽ triển khai kiểm tra hoạt động giết mổ và mua bán động vật, sản phẩm động vật ở các huyện, thị, thành phố. Cùng với đó, công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng được tăng cường. Đơn vị cũng sẽ tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, quầy sạp, cơ sở chế biến kinh doanh sản phẩm động vật nhập khẩu tại các kho lạnh và kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tại các chợ trong tỉnh.
QUỲNH NHIÊN