Kỳ I: Không ngừng phát triển
Với mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau khi chia tách (1-1-1997) tỉnh Bình Dương đã có định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh nhà. Trong đó, ngành du lịch cũng được tỉnh quan tâm phát triển.
Khách tham quan Khu du lịch Đại Nam. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Doanh thu tăng cao
Trong 20 năm qua, ngành du lịch tỉnh nhà đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Các hoạt động du lịch đã được tỉnh thực hiện tốt. Cụ thể, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã được đẩy mạnh thông qua việc tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch. Đặc biệt, tỉnh duy trì và tổ chức thành công các lễ hội như “Lái Thiêu mùa trái chín”, “Hương bưởi Bạch Đằng”, Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010… Qua đó tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch Bình Dương đến với du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2016, tổng lượt khách du lịch đến Bình Dương ước đạt 4,390 triệu lượt, tăng 4,5% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế là 205.000 lượt, khách nội địa khoảng 4,185 triệu lượt. Hoạt động lữ hành ước phục vụ 42.000 khách, doanh thu ước đạt 220 tỷ đồng; hoạt động lưu trú ước phục vụ 722.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 170 tỷ đồng. Các điểm, khu du lịch, di tích, danh thắng, bảo tàng… trên địa bàn tỉnh ước phục vụ 3,476 triệu lượt khách. |
Về doanh thu nếu năm 1997 mới đạt 56,94 tỷđồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 1.120 tỷđồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch giai đoạn 1997-2000 là 2,85%/năm, giai đoạn 2001-2005 đạt 27,3%/ năm, giai đoạn 2006-2010 đạt 30,11%/năm và giai đoạn 2010- 2015 là 10%/năm. Riêng năm 2016, tổng doanh thu ngành du lịch của tỉnh ước đạt 1.200 tỷđồng, tăng 7% so với năm 2015.
Tăng cường công tác quảng bá
Với mục tiêu phát triển trở thành một trong những ngành công nghiệp có nguồn thu cao, trong những năm qua ngành du lịch của Bình Dương đã triển khai nhiều kế hoạch xúc tiến, chương trình quảng bá, giới thiệu và đã đem lại kết quả khả quan. Đóng góp vào hiệu quả của công tác này phải kể đến những hoạt động tích cực của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh (TTXTDL). Trung tâm đã thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch Bình Dương thông qua các ấn phẩm du lịch, bản đồdu lịch…
Theo ông Phạm Hồng Thi, Phó Giám đốc TTXTDL tỉnh, ngoài các ấn phẩm du lịch, cẩm nang du lịch, bản đồdu lịch Bình Dương phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà khi tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh, đơn vị đã cập nhật, biên soạn, viết tin, bài trên website (www.dulichbinhduong.org. vn) với những thông tin, hình ảnh mới nhất để phục vụ nhu cầu thông tin du lịch Bình Dương cho du khách. Trung tâm còn phối hợp thực hiện các phóng sự giới thiệu về du lịch Bình Dương phát trên kênh Năng động du lịch Việt của Đài Truyền hình TP.HồChí Minh…
Bên cạnh đó, qua việc tham gia các hội chợ du lịch, hoạt động du lịch như Ngày hội du lịch TP.HồChí Minh, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi, Hội chợ quốc tế Đà Nẵng - BMTM Danang… cũng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương đến với du khách trong và ngoài nước.
Làm tốt công tác phối hợp
Bình Dương được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành du lịch, thời gian qua sự phối hợp giữa Nhà nước và các đơn vị lữ hành (ĐVLH) chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng phát triển du lịch tự phát, manh mún. Đại diện nhiều ĐVLH cho rằng, hiện nay việc xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch của tỉnh các ĐVLH không được tham gia, nếu có cũng chỉ trên danh nghĩa. Để chương trình có hiệu quả, các cơ quan xây dựng chương trình, đề án cần tạo điều kiện cho ĐVLH trực tiếp góp ý, xây dựng vì ĐVLH là mắt xích để thu hút du khách và quảng bá du lịch hiệu quả nhất, bởi các đơn vị biết du khách cần gì, muốn gì. Các ĐVLH cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn nhằm tạo điều kiện để phát huy thế mạnh du lịch sẵn có của Bình Dương.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, trong thời gian tới ngành du lịch của Bình Dương sẽ tiếp tục cập nhật, đăng tải những thông tin mới về các điểm du lịch trong tỉnh trên website du lịch của tỉnh (www.dulichbinhduong.org. vn) và website của các ĐVLH, hệ thống khách sạn, điểm nghỉ dưỡng… Cùng với đó, ngành sẽ tổ chức các cuộc thi, video clip về thiên nhiên, các điểm di tích, danh lam, văn hóa… mang đậm chất riêng của Bình Dương để quảng bá. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các ĐVLH, cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống như sơn mài Tương Bình Hiệp, sơn mài Định Hòa, gốm Tân Phước Khánh… để xây dựng tour, đưa du khách đến tham quan, mua sắm…
Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch cũng được tỉnh chú trọng, trong đó đặc biệt chú ý đến việc thường xuyên nâng cao nghiệp vụ để phục vụ du khách tốt hơn. “Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh nhà sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực về du lịch. Cụ thể, đơn vị sẽ phối hợp với các trường chuyên về du lịch tại TP.HồChí Minh đào tạo các lớp nghiệp vụ quản lý khách sạn, nhà nghỉ và lớp nghiệp vụ phục vụ buồng, nghiệp vụ lễ tân cho các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch tỉnh”, ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm Bình Dương 20 năm phát triển (1.1.1997 - 1.1.2017) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả tỉnh Bình Dương đã đạt được trong 20 năm qua trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, để thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2017 và những năm tiếp theo, cùng với các lĩnh vực khác, tỉnh cần chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bình Dương cũng cần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ và góp phần phát triển các loại hình du lịch.
Kỳ II: Khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái
HOÀNG PHẠM