Xuân Bính Ngọ 1966, Bác Hồ gửi thư chúc tết và thơ mừng xuân mới đồng bào, chiến sĩ cả nước:
Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây Me, Đà Nẵng/Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/Giặc Mỹ leo thang ngày c àng thua nặng.
Bia chiến thắng Bàu Bàng
Thơ xuân mừng năm mới của Bác Hồ chính là hồi kèn xung trận. Ai cũng biết, sau “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, từ năm 1965, chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam thất bại thảm hại. Để cứu vớt sự phá sản của chiến tranh đặc biệt, Mỹ ngoan cố tiến hành chiến tranh cục bộ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và dùng không quân leo thang đánh phá miền Bắc. Nhưng đế quốc Mỹ không thể cứu vãn nước cờ mà ngày càng thảm bại ở cả hai miền Nam - Bắc.
Năm Bính Ngọ 1966 còn nổi bật một sự kiện cực kỳ quan trọng, trước tình hình giặc Mỹ gây chiến tranh ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc, ngày 7-7-1966, Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, khẳng định: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”.
Một góc Khu Du lịch Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Ảnh: ĐÌNH HẬU
Thực hiện tiếng kèn xung trận trong thơ chúc tết và lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác, năm 1966 cả nước một lòng “toàn dân đánh giặc”, “tất cả cho tiền tuyến” để những năm tiếp sau, mỗi năm lại được nghe thơ xuân mừng năm mới của Bác:
“… Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…”.
Tuy là thơ xuân mừng năm mới, song lại mang tính mục tiêu, phương án chiến lược của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ mà Bác đề ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Và đặc biệt, ngày 1-1-1968, trước Tết Mậu Thân 1968 hơn một tháng, Bác đã có thư chúc tết và thơ mừng xuân mới:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta!
Đó là lời dự báo tiên tri. Tết Mậu Thân 1968 quân dân ta đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giành chiến thắng vang dội, khai tử chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Cả nước Mỹ chấn động và thế giới yêu chuộng hòa bình hướng về Việt Nam, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh ngồi vào bàn đàm phán Paris. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới, thực chất “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”…
Trở lại bài thơ chúc tết năm Bính Ngọ 1966 của Bác Hồ. Bình Dương thật tự hào vì có 2 trong 4 chiến công mà địa danh được Bác nhắc đến trong thơ: “…Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây Me, Đà Nẵng…” Đối với Bình Dương đó là một khích lệ. Ý nghĩa lớn lao về sự vinh hạnh đó của Bác với cả nước quả thật rất hiếm. Riêng Bình Dương cơ hội đó chỉ có một lần, không bao giờ còn có lần thứ hai. Năm mươi năm đã qua đi, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng, Bình Dương luôn xứng đáng với lời khen của Bác và những gì Bác hằng mong ước.
Ước mong của Bác đã được quân dân cả nước, quân dân Bình Dương thực hiện trọn vẹn. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải cút khỏi nước ta và đại thắng mùa xuân 1975 nước nhà hoàn toàn thống nhất.
Một góc trung tâm huyện lỵ Bàu Bàng. Ảnh: XUÂN THI
Bốn mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta tận mắt chứng kiến sự đổi thay đến diệu kỳ của một Bình Dương công nghiệp hóa. Trước đó Bình Dương chỉ là tỉnh thuần nông, nay ba chữ “công nghiệp hóa” đã trở thành thương hiệu của tỉnh thời đổi mới. Địa danh chiến công Dầu Tiếng, Bàu Bàng ngày xưa là rừng sâu nay cũng đã trở thành đô thị, dù mới chỉ đô thị loại 5, song dăm ba năm nữa Bình Dương trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương, biết đâu Dầu Tiếng, Bàu Bàng sẽ bứt phá thành cấp quận giống như sự bứt phá của Bình Dương “vươn vai Phù Đổng” lên thành phố loại một trực thuộc Trung ương trước năm 2020 với tấm vé đã nắm chắc tầm tay. Xin đừng nghĩ giản đơn, lên thành phố loại một trực thuộc Trung ương cứ đất rộng người đông, muốn là được mà phải có chuẩn mực, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Quan trọng bậc nhất là cơ sở hạ tầng phải hài hòa với thượng tầng kiến trúc, thẩm mỹ đô thị gắn bó bảo vệ tài nguyên môi trường, kinh tế - xã hội phát triển nhằm nâng cao đời sống người dân, đặc biệt phát triển trí tuệ con người và tri thức xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội… Khó là thế, nhưng Bình Dương đã làm được một cách thuyết phục. Cách đây gần 20 năm chưa ai có thể tưởng tượng giờ đây bất cứ người dân nào cũng có thể lên tầng cao nhất của tòa tháp đôi Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương thân thiện môi trường thu vào tầm mắt thành phố Thủ Dầu Một, ngắm thành phố mới, lớp lớp nhà cao tầng, trường đại học, bệnh viện, trung tâm thương mại… không chỉ của Bình Dương mà có cả của quốc tế… các khu công nghiệp đẹp như công viên và đường giao thông ngày càng rộng mở… Đứng trên tầm cao, suy ngẫm về đất và người Bình Dương trong chiến tranh và xây dựng. Bình Dương đã làm được công việc “vật đổi sao dời”, “biến cái không thể thành có thể”.
Cả Bình Dương như đoàn vận động viên đã, đang và quyết đi trên đường đổi mới mà đường đổi mới khác hẳn với đường mới, đi dạo công viên, cũng lắm ghềnh thác, gian lao và thách thức giống như bài thơ Đi đường của Bác Hồ:
Đi đường mới biết gian lao/Núi cao rồi lại núi cao chập chùng/Núi cao lên đến tận cùng/Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
NGUYỄN TRỌNG ĐẠT