Tăng trưởng xanh - tăng trưởng bền vững

Cập nhật: 26-01-2017 | 21:16:12

Những năm qua, Bình Dương đã có những bước tiến mạnh mẽ trên con đường phát triển và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Toàn tỉnh Bình Dương có 28 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp và hơn 23.000 doanh nghiệp (DN). Để phát triển bền vững, thời gian qua Bình Dương luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Đặc biệt, thời gian gần đây Bình Dương rất chú trọng đến tăng trưởng xanh.

 

 Tăng trưởng xanh chính là giúp Bình Dương trở thành đô thị văn minh, đáng sống. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

 Xu thế chung

Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) định nghĩa “kinh tế xanh” là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh. Chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng cac-bon và ngăn chặn biến đổi khí hậu; sẽ có lợi cho sức khỏe con người, bảo đảm tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại. Bên cạnh đó, thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo những chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch và đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững.

Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho thế hệ mai sau. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng “tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này”. Vậy, có thể nói tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có được tăng trưởng xanh thì không thể không có kinh tế xanh và ngược lại.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm chất lượng môi trường và an sinh xã hội trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi và chịu nhiều tác động tiêu cực do tăng trưởng thấp, khủng hoảng nợ công ở nhiều quốc gia và biến đổi khí hậu. Để bảo đảm được những mục tiêu phát triển như trên, tháng 9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ  cấu nền kinh tế nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Từ đó nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

Công viên nước Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: P.V

 

 

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đề ra 3 nhiệm vụ quan trọng. Một là giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hai là xanh hóa sản xuất bằng cách thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Ba là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Như vậy, ta có thể dễ dàng thấy với chiến lược này, Việt Nam đang đi theo xu hướng đúng đắn mà nhiều nước trên thế giới đang làm.

Nỗ lực của Bình Dương

Ngoài những tác động từ quá trình công nghiệp hóa, nguồn lao động nhập cư cũng tạo không ít thách thức cho Bình Dương khi thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, có thể nói Bình Dương đã làm rất tốt chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra. Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng vào các công trình phục vụ cho công tác BVMT; giai đoạn 2015-2020 là hơn 13.300 tỷ đồng nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Điều đó cho thấy Bình Dương ngày càng chú trọng hơn trong việc định hình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

  Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp, Bình Dương đã đạt rất nhiều chỉ tiêu quan trọng về BVMT mà Trung ương đề ra. Điều quan trọng là nhận thức, trách nhiệm và hành động BVMT đã có sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Trên cơ sở đó, việc khuyến khích đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp và đầu tư có chọn lọc trên địa bàn tỉnh đã góp phần phòng ngừa, khắc phục và hạn chế ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, từ đó từng bước chủ động khống chế và kiểm soát ô nhiễm.

Theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT những năm qua đã ngày càng được nâng lên, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý môi trường cũng được tăng cường. Trong khi đó, việc đầu tư tập trung, đồng bộ, hiệu quả các dự án về môi trường đã giải quyết kịp thời những bức xúc, chất lượng nguồn nước tại các kênh, rạch đã được cải thiện, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để và di dời kịp thời…

Bình Dương đang có chiến lược xây dựng thành phố thông minh song song với quá trình công nghiệp hóa. Chắc chắn khái niệm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh sẽ không lạ lẫm với người dân và các doanh nghiệp. Thành phố thông minh sẽ không tách rời tăng trưởng xanh và ngược lại, tăng trưởng xanh sẽ giúp cho Bình Dương trở thành đô thị văn minh, đáng sống.

XUÂN VĨ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=756
Quay lên trên