Lúa mì, nhu yếu phẩm của hàng tỷ người trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ đến miền Bắc Trung Quốc đã lên giá một cách đột biến trong mấy tuần qua. Cùng với lúa mì, giá đường, cacao cũng biến động... Điều này đã gây ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng lương thực hồi năm 2007-2008 có thể lặp lại. Hạn hán và hỏa hoạn tại Nga cùng với lũ lụt tại Pakistan và Ấn Độ là hai nguyên nhân đầu tiên. Nhưng người ta không loại trừ bàn tay thừa cơ “nước đục thả câu” của giới đầu cơ đã làm giá ngũ cốc này tăng lên đến mức cao nhất trong gần 2 năm qua.
Thời tiết bất thường ảnh hưởng sản lượng
Tình trạng hạn hán tại Nga (quốc gia xuất khẩu lúa mì đứng hàng thứ 3 thế giới) đang diễn ra nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua đã tiêu hủy gần 10 triệu ha ruộng lúa. Chính phủ Nga cũng đã dự báo rằng mùa màng sẽ thất bát trong năm nay và Bộ Nông nghiệp nước này khẳng định mức thu hoạch tối đa có thể chỉ là 75 triệu tấn, so với 85 triệu tấn dự kiến ban đầu. Nếu so sánh với mùa gặt năm 2008 được 97 triệu tấn và năm 2009 đã thu hoạch 108 triệu tấn thì xuất khẩu lúa mì của Nga trong năm nay sẽ giảm ít nhất là 50% vì còn phải giữ lại cho nhu cầu trong nước.
Sản lượng lúa mì của Nga bị ảnh hưởng vì khô hạn.
Ngày 5-8, Thủ tướng Nga Vladimir Putin công bố nước này sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc từ ngày 15-8 đến 31-12 và thậm chí có thể kéo dài lâu hơn nữa, nếu cần thiết. Theo đó, Nga sẽ tiến hành xuất quỹ lương thực khẩn cấp để hỗ trợ cho người dân tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán. Chính phủ cũng sẽ phân bổ khoản tiền 1,17 tỷ USD để trợ cấp cho nông dân, trong đó khoảng 400 triệu USD sẽ được chuyển giao không hoàn lại, số còn lại sẽ được sử dụng như một khoản tín dụng đặc quyền của nông dân trong vòng 3 năm tới. Nếu tình trạng hạn hán vẫn tiếp tục kéo dài và các khu vực cháy rừng tiếp tục lan rộng như hiện nay, Thủ tướng Putin cho biết có thể kéo dài lệnh cấm xuất khẩu lương thực đến năm 2011. Quyết định chính thức sẽ được ban bố sau khi vụ thu hoạch sắp tới kết thúc.
Ông Victor Semenov, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nói: “An ninh lương thực của Nga là nhiệm vụ quan trọng nhất và vì thế, thà là cảnh giác còn hơn để xảy ra bất kỳ sai sót. Tất cả quyết định này được thực hiện dựa trên cơ sở nhằm ngăn ngừa không để xảy ra những chấn động về giá cả đối với thị trường lương thực nội địa. Tôi tin rằng các nhà xuất khẩu của chúng ta sẽ không đánh mất vị trí trên thị trường thế giới”.
Theo đài tiếng nói nước Nga (VOR), trong số quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn, Nga là nước đầu tiên không những công bố dự báo thu hoạch năm 2010, mà còn đưa ra số lượng nhu cầu cần thiết đáp ứng tiêu thụ nội địa.
Tại các nước Tây Âu và Trung Âu (từ Pháp, Đức cho đến Hungary, Bulgaria và Romania), sản lượng thu hoạch cũng gặp khó khăn vì thiếu mưa, thiếu nước. Cùng đứng thứ 3 trên thế giới như Nga, Canada bị các trận mưa lớn hồi mùa xuân vừa qua phá hỏng nhiều cánh đồng phì nhiêu, làm thiệt hại 17% lượng thu hoạch.
Tại châu Á, 2 vựa lúa mì của thế giới là Ấn Độ và Pakistan năm 2010 không bị hạn hán nhưng lại bị lũ lụt liên miên. Bình thường, sản xuất lúa mì của hai nước này chiếm 15% thị phần thế giới.
Tại Ukraine, tính đến ngày 13-8, nước này đã thu hoạch được 28,5 triệu tấn ngũ cốc, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tình hình gieo trồng vụ đông vào cuối tháng 8 không thuận lợi do thiếu mưa.
Tại Hungary, việc gieo trồng vụ đông cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu trong đó có đợt lũ lụt xảy ra hồi đầu năm nay. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết vụ thu hoạch lùa mì năm nay ở nước này có thể chỉ đạt 3,72 triệu tấn, giảm 16% so với vụ năm ngoái và giảm 1/5 so với sản lượng trung bình trong 5 năm qua.
Tình hình hiện nay khác trước vì cách tiếp cận vấn đề đã phần nào thay đổi. Báo chí Anh viết về sự cần thiết lập ra hệ thống quốc tế có chức năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu ngũ cốc để có thể khiến thị trường trở nên phần nào dễ dự đoán và giúp thế giới thoát khỏi mối đe dọa khủng hoảng mới về lương thực. Chính nhằm làm giảm cường độ căng thẳng, Matxcơva đã trình bày với thế giới về tình hình thu hoạch của mình, đây được coi là những bước đi thiết thực mới cho phép hỗ trợ việc thực hiện ý tưởng về OPEC ngũ cốc.
Khủng hoảng ảo vì đầu cơ
Giá lúa mì leo thang như sắp có biến! Thủ phạm không ai khác là kẻ đầu cơ trên sàn giao dịch Mỹ và châu Âu. Cách đây 3 tháng, giới sản xuất tại châu Âu còn bán lúa mì với giá 130 EUR/tấn trên thị trường, nhưng sau khi các thông tin về hạn hán ở Nga và lũ lụt châu Á xuất hiện, giới đầu cơ liền gấp rút mua lại để tích trữ, chờ giá lên thêm kiếm lời. Hiện giá lúa mì đã lên tới 216 EUR/tấn trên sàn giao dịch Euronext ngày 13-8.
Đánh hơi được món lợi béo bở này, nhiều công ty đầu tư tài chính Anh, Mỹ cũng đổ vào thị trường lúa mì làm món nhu yếu phẩm này leo thang. Đặc điểm của giới đầu cơ là luôn cố gắng đi trước vài bước, vì vậy, nhiệt độ cao ở Bắc bán cầu và thời tiết lạnh tại phía Nam đã làm dấy lên sự quan tâm của họ đối với các mặt hàng nông sản.
Đợt giá tăng do đầu cơ từ tháng 6 đến nay đã cho phép một số người kiếm lãi lớn và có những kẻ đầu cơ may mắn thu tới 30.000 USD từ mỗi 1.000 USD đầu tư. Tuy nhiên, mộng tiếp tục làm giàu của họ đã bị phá vỡ bởi tính cởi mở bất ngờ của ban lãnh đạo Nga. Các thương gia hy vọng thu mua tích trữ để bán lại với giá cao tỏ ra lo ngại các nhà xuất khẩu lớn khác cũng sẽ làm theo cách của Nga.
Giá lúa mì tăng mạnh làm nhiều người lo ngại sẽ dẫn đến biến động trên thị trường nguyên liệu nói chung. Tuy nhiên, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Economist (Anh) cho rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa bền vững, cùng với việc lượng hàng trong kho của đa số các loại nguyên liệu vẫn tương đối nhiều, nên những lo ngại trên là không phù hợp.
EIU cho rằng nguy cơ khủng hoảng lương thực không đến mức báo động bởi cơ sở nền tảng thị trường lúa mì thế giới chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng và triển vọng phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu.
EIU dự báo tổng sản lượng lúa mì toàn cầu năm nay sẽ chỉ giảm khoảng 4,2%. Dù giảm nhưng sản lượng lúa mì năm nay sẽ vẫn đứng ở cao thứ ba trong lịch sử sau hai năm sản xuất bùng nổ. Lượng lúa mì trong kho trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2009 và đủ đáp ứng nhu cầu cho 111 ngày so với mức 73 ngày của năm 2006. Triển vọng nguồn cung năm 2011 cũng tương đối tích cực với ước tính sản lượng sẽ tăng gần 3%, cao hơn mức tăng của cầu là 2,1%.
Cùng lúc, dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới cũng trở nên khó khăn hơn. Các nền kinh tế Mỹ và EU sẽ yếu trong nửa cuối năm nay. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm tới sẽ giảm xuống 8,3% so với mức 9,9% của năm 2010. Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ kéo theo nhu cầu nguyên liệu cũng giảm nên giá sẽ khó tăng. Một điểm đáng chú ý nữa là, cho đến nay, phản ứng tăng theo giá lúa mì của giá bắp và đậu nành, hai loại lương thực thay thế lúa mì trong thức ăn gia súc, vẫn còn rất hạn chế. Điều này cho thấy nguy cơ tăng giá lương thực nói chung hiện vẫn chưa cao tại thời điểm hiện nay. Do vậy, EIU dự báo chỉ số giá lương thực, thực phẩm và đồ uống chỉ tăng dưới 1% năm 2010.
Các chuyên gia thế giới bắt đầu nhắc đến ý tưởng cái gọi là “OPEC ngũ cốc”. Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexey Gordeev từng tuyên bố rằng kế hoạch thành lập tổ chức các nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, một kiểu “OPEC lương thực”, đã được thỏa thuận với Ukraine và Kazakhstan và cũng đã được xem xét ở Mỹ, Australia. Tuy nhiên các nhà xuất khẩu ngũ cốc của Nga lại tỏ ra rất dè dặt. Nikolai Demyanov, Giám đốc tiếp thị Công ty ngũ cốc quốc tế, cho biết: “Các nhà cung ứng ngũ cốc Nga, Ukraine và Kazakhstan cạnh tranh rất quyết liệt trên cùng một thị trường nên việc thành lập tổ chức xuất khẩu khó thành hiện thực vì không thể có chuyện các nhà xuất khẩu ngũ cốc thỏa thuận không tham gia một cuộc đấu thầu quốc tế nào đó để nhường lợi thế cho đối thủ cạnh tranh”
Tổ chức liên chính phủ Hội đồng Ngũ cốc quốc tế tại London, Anh trong báo cáo mới nhất công bố tháng 7-2010, cho biết thế giới không thiếu lúa mì. Dù mức sản xuất năm 2010 giảm còn 651 triệu tấn thì cũng còn trữ lượng tồn kho kỷ lục năm 2009 là 197 triệu tấn. Như vậy, với 884 triệu tấn lúa mì của hai mùa góp lại thì thế giới vẫn dư thừa, thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ 655 triệu tấn/năm. Các chuyên gia cũng cho rằng, lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của Nga không gây bất kỳ tác động kinh tế vĩ mô nào cho cân bằng thương mại trong tương lai. Tuy vậy, nhất định việc làm này đang góp phần dập bớt sự náo loạn của giới đầu cơ, âm mưu hâm nóng thị trường chứng khoán, đồng thời ngăn chặn việc tăng giá hàng hóa.
Theo SGGP