Những ngày giáp tết Canh Tý 2020 này, về thăm ngôi đình Tân An - Di tích cấp Quốc gia nổi tiếng (hình ảnh được ghi lại ở rất nhiều bộ phim), thong thả đi dạo trong sân đình đầy lá khô, ghi nhận hình ảnh các hộ dân ở đây làm kiệu, làm mắm, trồng hoa… bạn sẽ thấy tâm thái thật nhẹ nhàng.
Ông Trần Phát vẫn ngày ngày chăm lo nhang khói cho ngôi đình Tân An
Sau khi thăm “cổng đình huyền thoại” với cây đa mọc ôm trọn cổng cũ ngôi đình làng, phía cổng đối diện, một cây đa cũng mọc lên với dáng vẻ y chang như cổng cũ vậy, ai nấy trầm trồ ngạc nhiên thú vị. Hiện tại cả 2 chiếc cổng này đều để chụp ảnh, quay phim! Cổng chính đình Tân An được xây dựng khang trang, to, rộng và ông từ giữ đình sẽ mở cửa cho khách tham quan, tìm hiểu về ngôi đình này.
Ông Nguyễn Tri Phủ, Trưởng ban Nghi lễ đình Tân An cho chúng tôi biết một chi tiết thú vị là sắc phong của đình vẫn được giữ ở nhà từ đường của ông (là căn nhà cổ Nguyễn Tri Quan - di tích cấp tỉnh, thành phố), đến ngày cúng đình, Ban Nghi lễ sẽ làm lễ rước từ nhà cổ Nguyễn Tri Quan về đình Tân An, sau lễ sẽ trả lại. Ông Nguyễn Tri Phủ là đời thứ 8 của gia đình danh giá này và ông cho biết xưa giờ đều như vậy, từ hồi nhỏ ông đã thấy tục lệ này. Nhà cổ Nguyễn Tri Quan là ngôi nhà có kiến trúc chữ khẩu, được xây dựng vào năm 1890 và trùng tu vào năm 1929. Hiện nay, tờ sắc phong của vua Tự Đức về việc phong tên thụy cho tiền bối của gia đình và bức chân dung vua Thành Thái vẫn còn được lưu giữ tại đây.
Đình Tân An (hay còn gọi là đình Bến Thế) tọa lạc tại khu phố 1, phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng năm 2004. Đến ngày 26-4-2014, đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hình ảnh xưa cũ của ngôi đình này được các nhà làm phim Việt Nam chọn là bối cảnh chính trong các cảnh quay về làng quê Nam bộ thời xưa. Đình Tân An được xây dựng vào năm 1820 để thờ Tiên Quân Cơ Nguyễn Văn Thành - một trong những vị quan khai quốc công thần triều Nguyễn. Các loại gỗ quý như: Gõ, sao, cẩm, dầu, bằng lăng vẫn rợp bóng trong sân đình… Trên các cột và trước các áng thờ đều có treo các bức hoành phi, liễn đối viết bằng chữ Hán rất có giá trị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa. Các bao lam, tủ thờ, tượng thờ, khánh thờ được chạm cẩn công phu, tỉ mỉ, đã thể hiện tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân lúc bấy giờ. Đình Tân An còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương và trong vùng vào ngày Rằm tháng 11 âm lịch hàng năm. Ba năm đáo lệ một lần (gọi là chánh tế) sẽ tổ chức lễ hội lớn từ ngày 14 đến 16-11 âm lịch. Những ngày hội đình lớn, có đoàn hát bội về hát cúng tế hàng đêm.
Ông Trần Phát hiện đã hơn 70 tuổi và có 20 năm nay lo việc nhang đèn của đình Tân An, cho biết hàng ngày ông đều mở cửa đình lo việc đốt nhang, lau dọn các bệ thờ. Khách tham quan, các đoàn đến đóng phim, làm chương trình mừng xuân thường xuyên và ông thấy vui vì điều này. Ông cho biết dịp tết khách đến viếng đình đông hơn. Sau giao thừa, đình mở cửa đón khách đến viếng liên tục cho hết tháng giêng mới vãng khách dần. Nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến ngôi đình cổ kính này như một cách hoài niệm về ngày xưa.
Không khí tết đã rộn rã khắp nơi khi chúng tôi về thăm Tân An những ngày này. Người thì trồng hoa chưng tết, người thì làm mắm, phơi củ kiệu. Tân An cũng nổi tiếng với nghề làm mắm các loại như: Mắm nêm, mắm thái… Mẹ của ông Nguyễn Tri Phủ nay hơn 90 tuổi vẫn sống ở nhà cổ Nguyễn Tri Quan. Ngày ngày bà chăm nom ngôi nhà này. Bà cụ vẫn thường được các đoàn làm phim mời minh họa cho cảnh người xưa, tết xưa với hình ảnh bà làm kiệu tết, chăm hoa tết… Ông Phủ cho biết thêm: “Nay mẹ tôi già yếu rồi nên không làm gì được nhiều. Tết cũng giản đơn hơn trước đây. Chỉ làm những món truyền thống như củ kiệu, dưa hành, gói bánh chưng thôi…”.
Hoa lá xôn xao vào xuân, càng tìm về với thiên nhiên, với những kiến trúc cổ xưa, chúng ta càng được nghe “mùi tết” nhiều hơn, đậm đà hơn để nhớ lại thời còn thơ bé…
QUỲNH NHƯ