Về thăm Hố Lang

Cập nhật: 14-09-2018 | 08:30:38

Hố Lang là địa chỉ đỏ cách mạng, là biểu tượng tinh thần bất khuất của quân và dân Bình Dương một thời, nay đã “thay da, đổi thịt”. Bây giờ Hố Lang vẫn còn hằn in dấu xưa oai hùng, nhưng cũng là một trong những vùng đất phát triển nhanh bậc nhất TX.Dĩ An.

Dấu xưa oai hùng

Trước khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, người dân khu vực phường Tân Bình, TX.Dĩ An (trước đây là hai làng Tân Hiệp và Bình Trị) đã có quá trình đấu tranh khai phá đất hoang xây dựng xóm làng lập nghiệp. Khi thực dân Pháp xâm chiếm cai trị, nhân dân nơi đây đã tích cực tham gia các phong trào nghĩa quân kháng chiến chống Pháp. Nhờ đó, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong vùng không ngừng phát triển, tiến lên cùng cả nước.


Hố Lang giờ đã trở nên sầm uất
Ảnh: KHÁNH VINH

Những năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây tiếp tục được chọn làm căn cứ cách mạng, trong đó Hố Lang là một khu căn cứ quan trọng, đóng góp nhiều cho phong trào đấu tranh của quân và dân Dĩ An. Năm 1971, căn cứ Huyện ủy Dĩ An cũng đóng tại Hố Lang, các đồng chí chủ chốt của huyện như Sáu Trạng, Chín Hòa... thường xuyên bám trụ ở đây để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng các xã quanh vùng. Đầu năm 1971, đồng chí Vũ Mạnh Hồi đã dùng trái nổ đánh diệt tên Sáng ác ôn ở khu vực này. Tiếp đó, cũng bằng mìn tự tạo, đội công tác đã đánh diệt tiểu đội địch càn quét vào căn cứ của ta... Trong kháng chiến, căn cứ Hố Lang được sự đùm bọc của nhân dân địa phương; nhân dân ở đây là cái gốc, cái rễ cho cán bộ hoạt động cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Bảo, cố Bí thư Huyện ủy Dĩ An trong kháng chiến chống Mỹ, đồng thời cũng là một trong những người đầu tiên gây dựng và gắn bó với căn cứ Hố Lang cho đến ngày nước nhà thống nhất, đã từng kể: “Hồi ấy chúng tôi hoạt động vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự định hướng đúng đắn của Tỉnh ủy về việc phát triển, duy trì căn cứ cách mạng Hố Lang nên phong trào cách mạng của ta có cơ sở vững chắc để phát triển, góp nhiều công sức cho chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc”.

Ông Bảo giờ đã không còn, nhưng đồng đội của ông vẫn hằn in những ký ức chiến tranh. Chúng tôi đến UBND phường Tân Bình, vốn được xây dựng trên vùng rìa căn cứ cách mạng Hố Lang năm nào, tình cờ gặp được các ông Út Thạnh, Hai Phong. Các bác giờ đây cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Nay, các bác vẫn còn minh mẫn, tự đi xe máy đến phường ôn lại truyền thống chiến đấu năm xưa. Ở đâu đó trong ánh mặt nhìn xa xăm của những Út Thạnh, những Hai Phong giờ đây vẫn đậm nét hào hùng của người Tân Bình thuở ấy. Được biết, hàng năm các bác vẫn thường xuyên tổ chức về nguồn, không chỉ để ôn lại kỷ niệm những năm tháng nếm mật, nằm gai ở Hố Lang mà còn giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Quê nghèo lên đô thị

Bước ra từ cuộc kháng chiến vĩ đại của toàn dân tộc, chính ông Út Thạnh, ông Hai Phong đã được chứng kiến sự thay đổi đột phá của căn cứ xưa. Hố Lang nay không còn là vùng căn cứ bí mật lừng danh một thời trong kháng chiến chống Mỹ nữa, mà là một trong những điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội của TX.Dĩ An. Nối tiếp truyền thống kiên cường của cha anh, nhân dân Tân Bình đã đồng lòng bước đi dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng dựng xây quê hương. Từ cái gốc thuần nông nghèo khó những năm đầu hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành của chính quyền, nhân dân phường Tân Bình đã đoàn kết một lòng xây dựng hệ thống kênh mương, đắp đập, cải tạo đồng ruộng để vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường phát triển.

Dù không có lợi thế phát triển công nghiệp - dịch vụ nhưng đến nay Tân Bình đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của TX.Dĩ An trong việc phát triển thương mại - dịch vụ nhằm từng bước cải thiện đời sống của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn phường đã thi công làm mới nhiều tuyến đường huyết mạch như đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai… Ngoài ra, cùng với Nhà nước, nhân dân trong phường đã đóng góp đất, ngày công xây dựng hàng chục tuyến đường khác. Trong những năm qua, Tân Bình còn thu hút hàng ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp đầu tư phát triển 7 khu dân cư đồng bộ, giúp cho bộ mặt đô thị của phường ngày càng khang trang hơn. Ngoài 7 khu dân cư này, hàng ngàn ngôi nhà, biệt thự mọc lên theo năm tháng đã đưa Tân Bình trở thành một phường sầm uất của TX.Dĩ An.

Không đành chịu thiệt thòi về công nghiệp, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Tân Bình nỗ lực xây dựng một diện mạo mới. Theo đó, nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, chính quyền tích cực mời gọi đầu tư, xây dựng. Kết quả, sản xuất công nghiệp trên địa bàn dần đi vào ổn định, phát triển với 130 đơn vị sản xuất, kinh doanh. Các mặt hàng sản xuất chủ yếu của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn là gỗ, sắt thép, dệt may, chế biến thực phẩm, gia công các loại… Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn còn giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động trong và ngoài địa phương.

Điểm sáng đáng kể nhất trong tiến trình phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ của Tân Bình chính là ở lĩnh vực đô thị. Về Tân Bình những ngày này, có thể thấy rất nhiều khu dân cư được đầu tư bài bản, chỉn chu phát triển nhanh chóng, tạo nơi an cư lý tưởng cho hàng ngàn lao động từ nơi khác tìm về lập nghiệp. Anh Nguyễn Hoàng Vũ, một giám đốc doanh nghiệp ăn nên làm ra tại Tân Bình, cho biết: “Tôi đến Tân Bình từ năm 2010. Nhận thấy đây là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển bậc nhất của TX.Dĩ An nên anh quyết tâm mở doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, kinh doanh vận tải. Giờ thì Tân Bình đã có bộ mặt đổi thay hoàn toàn so với những năm trước, đời sống người dân được nâng cao đáng kể”.

Được biết, hiện nay tỉnh đã có dự án Khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử Hố Lang quy mô lên đến 32 ha với các công trình đền tưởng niệm, khu sinh hoạt sinh thái rừng tự nhiên, khu vui chơi giải trí tổng hợp, hồ sinh thái nước ngọt… Dự án là điểm nhấn, là niềm kỳ vọng lớn của nhân dân phường Tân Bình nói riêng và TX.Dĩ An nói chung về một tương lai tươi sáng của quê hương. Hố Lang không chỉ là điểm đến vui chơi, giải trí của người dân Bình Dương và vùng phụ cận mà còn là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cho thế hệ trẻ.

Anh Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình, dẫn chúng tôi rảo quanh một vòng các tuyến đường chính của phường Tân Bình, nay đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Như bao người trẻ khác lớn lên từ vùng đất này, anh tự hào dừng lại khu di tích Hố Lang năm xưa xúc động, cho biết: “Thế hệ trẻ chúng tôi lớn lên từ vùng đất đầy đau thương, mất mát này nên thật quý trọng những năm tháng tươi đẹp hôm nay. Các bậc cha ông đi trước đã đổ máu, nước mắt để từ Hố Lang hun đúc tinh thần cách mạng, đổi mới quê hương Tân Bình...”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Bình, khẳng định Tân Bình đã thay đổi mạnh mẽ khi tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn được đưa vào sử dụng. Tuyến đường như trục xương sống băng ngang qua phường tạo điều kiện cho giao thông thuận tiện, giao thương phát triển. Nhờ đó, Tân Bình từ một xã vùng xa của TX.Dĩ An trở thành phường năng động bậc nhất TX.Dĩ An. Tân Bình cũng gần như là trung tâm giao thương, giao thông giữa ba tỉnh thành, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.

Ngoài ra, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn còn góp phần rất lớn vào công tác chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo Tân Bình. Từ đây, các tuyến đường do phường, thị xã quản lý cũng đã được nâng cấp, mở rộng đáng kể. Tân Bình bây giờ vẫn thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công ngiệp và nông nghiệp. Toàn phường hiện có 1.781 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Hệ thống điện, đường, trường trạm trên địa bàn đã cơ bản hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập của các tầng lớp nhân dân.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=705
Quay lên trên