Ngày cuối năm, ngồi trò chuyện với P.V Báo Bình Dương trong căn nhà nhiều tỷ đồng vừa mới xây, “già làng” Ngưu Bư (xã An Bình) không nói nhiều về sự giàu sang của gia đình mà bấm tay nhẩm tính trong xã có bao nhiêu hộ dân tộc thiểu số khó khăn, để kịp vận động chăm lo tết cho bà con. Ông luôn là người như vậy, sống có nghĩa, có tình bao năm qua nên được cộng đồng người Khmer tín nhiệm.
Nhờ sự vận động của “già làng” Ngưu Bư, nhiều tuyến đường nơi có người Khmer sinh sống được bà con hiến đất mở rộng
Cách nói chuyện của ông rất tình cảm, nét mặt hiền từ, nên ở đâu ông cũng được bà con quý mến. “Năm nay mình mới 65 tuổi thôi. Nói về cái tuổi thì chưa đủ nhận chức trưởng bản. Nhưng được bà con quý mến, việc gì cũng giao trọng trách”, ông Ngưu Bư tâm sự. Ông biết rành cái chữ. Vậy là từ hàng chục năm trước, ông giúp hết người này đến người khác trong cộng đồng làm từ cái sổ hộ khẩu, giấy tờ đất đến giấy tùy thân..., ai nhờ việc gì cũng đồng ý. Uy tín của ông với bà con Khmer từng bước được nâng lên. Cộng với chuyên môn thú y, thường giúp đỡ bà con chăn nuôi, ông được tiếp xúc với nhiều người ngày này qua ngày khác..., dần dần họ bầu ông làm “già làng”.
Hàng chục năm qua, ông nhận mình là người làm việc không lương, nhưng việc gì cũng làm. Ông là đầu mối liên kết giữa chính quyền địa phương, tuyên truyền những đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng người Khmer ở xã An Bình. Ông cho biết: “Tới bây giờ cũng có người chưa rành tiếng Kinh, họ chỉ nói tiếng Khmer. Hàng năm, mình có nhiệm vụ tổ chức họp dân, liên kết với địa phương các cấp tổ chức nhiều lớp như tuyên truyền luật hôn nhân, đất đai, an ninh trật tự...”. Điển hình như đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, bản thân ông đi ngày đi đêm để tuyên truyền phòng chống dịch, giúp dân cách ly, đeo khẩu trang, chích ngừa, chăm lo lương thực, thực phẩm.
Với khoảng 230 hộ đồng bào Khmer và 1.200 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu ở 2 ấp Tân Thịnh và Nước Vàng, “già làng” Ngưu Bư có trọng trách rất lớn trong việc giúp đồng bào sống hòa đồng, chăm lo làm ăn, giữ vững an ninh trật tự. Ông chia sẻ: “Năm 2004, Nhà nước có chính sách cấp đất cho những hộ không có đất. Qua đó, có 113 hộ Khmer được cấp 116 ha đất để canh tác, sản xuất. Bây giờ gia đình nào cũng khá, nhiều hộ giàu, chỉ có 6 hộ khó khăn. 6 hộ này là những người trẻ sau này, có hộ rơi vào bệnh đau nên mới khó khăn”.
Bên cạnh việc tạo điều kiện mọi mặt để giúp cho đồng bào người dân tộc thiểu số vươn lên của các cấp chính quyền, trong cộng đồng người Khmer, ông Ngưu Bư và những người có chức trách cũng có cách làm riêng. Với những người có đất, ông thường xuyên họp bàn, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi cho có hiệu quả. Người không có đất thì ông kết hợp với địa phương tạo việc làm để có thu nhập ổn định. Đưa con em người Khmer khó khăn vào làm việc cho những người có điều kiện trong cộng đồng người Khmer. Người có điều kiện thì cho người khó vay mượn làm vốn. Ông cũng vận động các hộ đồng bào dù cho nghèo khó cũng cố phải cho con cái ăn học... Hiện có rất nhiều con em người Khmer đã tốt nghiệp đại học, xin được việc làm ổn định ở nhiều nơi trong tỉnh.
Nhiều năm qua, ông Ngưu Bư còn vận động bà con lưu giữ bộ cồng chiêng của người Khmer, lưu giữ nét văn hóa truyền thống qua các điệu nhảy, điệu múa để bảo tồn bản sắc văn hóa. “Nhiều năm qua, bà con Khmer không tổ chức tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. 2 năm trở lại đây, khi ngôi chùa Khmer tại ấp Tân Thịnh được xây dựng, bà con đã khôi phục lại ngày tết cổ truyền của mình và rất ý nghĩa”, ông Ngưu Bư tâm sự.
Không chỉ giúp bà con vượt khó vươn lên mà bản thân ông còn là gương lao động giỏi, vươn lên làm giàu khi sở hữu gần chục ha đất, xe hơi, biệt thự, nuôi dạy con cái thành đạt. Ông được bầu làm người đại diện khối đồng bào dân tộc thiểu số xã An Bình, là đại biểu HĐND huyện Phú Giáo.
QUANG TÁM - LÝ HUY