Vì hạnh phúc của nhân dân

Cập nhật: 18-01-2021 | 09:19:35

“...Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...” là một nội dung mới trong mục tiêu tổng quát của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Cụm từ “hạnh phúc” mà Dự thảo Báo cáo chính trị đề cập chính là hạnh phúc của nhân dân.

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Trong ảnh: Những năm qua, Bình Dương đều tổ chức chuyến xe xuân nghĩa tình, đưa người lao động về quê đón tết. Ảnh: XUÂN THI

Chăm lo cho nhân dân

Đây cũng là mong ước lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sinh thời, Bác từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ngay từ năm 1945, khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm bất hủ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người còn nói rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người lưu ý thực hiện những nhiệm vụ của thời hậu chiến, tức là sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi, đó là: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đây là những lời dặn dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng, sự biểu cảm của tư duy người cách mạng vô sản chân chính, suốt đời hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống của tất cả mọi người dân, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân.

Do vậy, việc Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đưa khái niệm “hạnh phúc” vào mục tiêu tổng thể là một bước tiến mới, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với sự nghiệp chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Điều này cũng chính là việc cụ thể hóa thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Để nhân dân được thụ hưởng

Tại Bình Dương, nhìn lại chặng đường hơn 45 năm sau ngày giải phóng và sau 24 năm xây dựng và phát triển, tỉnh đã và đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Nhờ đường lối, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, linh hoạt của Đảng, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế, Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo nên nhiều kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kỳ tích trong quá trình phát triển đã mang đến cho người dân một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là quan điểm mà lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều đặc biệt quan tâm: Tất cả mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển của tỉnh.

Trở lại 24 năm trước đây, sau khi được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào ngày 1-1-1997, tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Bình Dương đã khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, tài nguyên đất đai, phát huy nhân tố con người... Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn với cơ sở hạ tầng yếu kém, có điểm xuất phát thấp về phát triển kinh tế, hiện nay Bình Dương đã trở thành một địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp, đóng góp ngày càng lớn vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, vĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh cũng đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội và thực hiện giảm nghèo bền vững. Bình Dương đã được Trung ương công nhận là tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều. Ở vùng nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được đẩy mạnh thực hiện. Tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao để làm cơ sở đánh giá việc nâng cao các tiêu chí, hướng đến chăm lo đời sống của người dân nông thôn ngày một tốt hơn. Đến nay, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Một điểm nhấn quan trọng trong việc chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là Bình Dương đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Với khát vọng vươn lên, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ năm 2016 tỉnh đã triển khai Đề án Thành phố thông minh. Đối với Bình Dương, thành phố thông minh có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó các thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng. Thành phố thông minh Bình Dương còn nhấn mạnh những tầm nhìn lớn, tạo đột phá, đổi mới toàn diện, trong đó vấn đề phát triển đối với con người là trung tâm.

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Điều này đã và đang được Đảng, Nhà nước thực hiện tốt để chăm lo ngày càng tốt hơn cho nhân dân... 

Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sau hơn 24 năm xây dựng, phát triển, Bình Dương đã có bước tiến mạnh mẽ về mọi mặt. Hai từ Bình Dương đã được biết đến như là một hình mẫu về tính năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho nhân dân...

THÀNH SƠN

 

Chia sẻ bài viết
Tags
nhân dân

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên