Việt Nam sẽ là trung tâm thương mại của khu vực

Cập nhật: 15-06-2011 | 00:00:00

Nhiều doanh nhân Thái cho rằng các doanh nghiệp Thái Lan cần mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam để đón đầu cơ hội làm ăn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015, mở ra dòng chảy mạnh mẽ hơn về hàng hóa và dịch vụ trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn và mang đến cho các doanh nghiệp Thái Lan nhiều sự lựa chọn nhờ có giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất kinh doanh thấp, lực lượng lao động dồi dào, tỷ lệ dân số trẻ khá cao và sức mua lớn khi tầng lớp trung lưu gia tăng và kinh tế tăng trưởng ổn định.

 Sản xuất thép ở công ty Siam Steel do doanh nghiệp Thái Lan đầu tư ở Hải Dương. 

Ông Suwes Wangrunarun, phó chủ tịch của công ty CP Vietnam Livestock Corp hiện đang hoạt động tại Việt Nam, nói tại một cuộc hội thảo ở Bangkok mới đây rằng Việt Nam là một thị trường có nguồn lao động rẻ nhất trong khu vực, thậm chí rẻ hơn cả Trung Quốc. Với nguồn nhân công lành nghề và chưa lành nghề khá đông, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thương mại và đầu tư của khu vực. 

Ông Suwes và một số nhà doanh nghiệp khác cho hay chi phí kinh doanh ở Việt Nam thấp tới mức sẽ làm cho các nước như Thái Lan khó có thể cạnh tranh nổi. Ngoài ra, số các gia đình trung lưu đang tăng lên tại Việt Nam sẽ góp phần làm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giúp làm cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Bà Soraya Runckel – phó chủ tịch công ty Runckel & Associates nói rằng các nhà máy và cửa hàng của người Thái có thể hưởng lợi từ giá nhân công thấp, tỷ lệ lao động trẻ cao và cần cù lao động (ở Việt Nam). Về mặt bằng lương, một sinh viên mới ra trường tại Việt Nam chỉ được trả khoảng 9.000 baht (chừng 300 USD)/tháng so với 15.000 baht/tháng ở Thái Lan. Còn số tiền chi trả cho người lao động không có tay nghề ở Thái Lan là 9.000 baht, so với  mức khoảng 2.500 baht ở Việt Nam.

Runckel & Associates đang rất quan tâm đến hoạt động đầu tư vào Bình Dương, nơi giới chức địa phương đơn giản hóa thủ tục đầu tư và minh bạch hóa chính sách đầu tư kinh doanh.

Theo bà Soraya, việc lập cơ sở sản xuất phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các công ty làm ăn ở đó tiếp cận với thị trường đông dân Trung Quốc. Có cơ sở hạ tầng tốt, Bình Dương được cho là địa bàn thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và chế biến thực phẩm, thuốc men, thức ăn gia súc gia cầm, công nghệ cao và bán lẻ. Trong lúc các ngành cần nhiều công nhân như dệt may thì có thể mở ở khu vực miền Trung.

Trong khi đó, ông Wittaya Supatanakul, cố vấn về xác lập bản đồ các thị trường mới ở ASEAN hiện đang cộng tác với Viện nghiên cứu Đông Á của Thái Lan, nêu bật tiềm năng phát triển và chính sách khuyến khích đầu tư của Việt Nam cũng như sự tương đồng về văn hóa và sự thiện cảm của nhân dân hai nước, nhưng đề nghị nâng thời gian thuê đất ở Việt Nam từ 50 năm hiện nay lên 70 năm hoặc dài hơn.

Còn ông Aswin Techajaroenvikul, chủ tịch của BJC - công ty thương mại, sản xuất và phân phối hàng đầu tại Thái Lan – được dẫn lời nói rằng trong số cá nước láng giềng, Việt Nam là địa chỉ đầu tư rất quan trọng vì kinh tế phát triển với nhịp độ cao, chi tiêu của giới trung lưu gia tăng, chi phí vận chuyền và dịch vụ hậu cần thấp nhất.

Các doanh nghiệp Thái tìm hướng đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh giá nhân công và các chi phí khác tại Thái Lan gia tăng làm giảm lợi thế cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh,. Các tập đoàn và doanh nghiệp Thái đã, đang đầu tư ở Việt Nam bao gồm Tập đoàn CP, SCG, Ngân hàng Bangkok, TIPCO, Amata. Hồi tháng Tư vừa qua, Ngân hàng Bangkok đã tổ chức cho 30 doanh nghiệp nước này thăm tỉnh Bình Dương tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Trên các chuyến bay của các hãng hàng không xuất phát từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi đến Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại hàng ngày, luôn có không ít doanh nhân hai nước đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh. Giao thông thuận tiện trên các tuyến đường bộ thuộc Hành lang Kinh tế Ðông-Tây (EWEC), đường biển nối các hải cảng ở Việt Nam với các cảng trong Vịnh Thái Lan cũng làm tăng thêm phương thức vận chuyển và đi lại dễ dàng, hợp lý với giá hợp lý hơn.

Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác song phương, hợp tác ASEAN hiện nay và AEC sắp tới, nhiều mặt hàng trong danh mục xuất nhập khẩu giữa hai nước đã và đang hướng tới mức thuế suất bằng 0%, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cả hai bên thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. Ðây cũng là lợi thế của hai nước trong việc xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba trong ASEAN và ra thị trường bên ngoài.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=241
Quay lên trên