Trong những năm qua, ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam liên tục phát triển, trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng hàng thứ hai ở châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Bình Dương được đánh giá là một trong những tỉnh, thành của cả nước có nhiều tiềm năng phát triển ngành gỗ.
Cơ hội cho doanh nghiệp gỗ
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh (đơn vị phối hợp với Công ty Pablo Publishing Pte., Ltd của Singapore tổ chức Hội chợ Máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam 2017 tại Bình Dương vừa qua) cho biết, Hội chợ Máy móc và gỗ nguyên liệu Việt Nam 2017 (Vifa Woodmac Vietnam 2017) được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận công nghệ mới và nguồn nguyên liệu hợp pháp trên thế giới, góp phần thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết. “Bình Dương là nơi tập trung các khu công nghiệp và là trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn nhất của cả nước. Chính vì vậy, nơi đây là địa điểm thuận lợi cho việc tổ chức hội chợ này nhằm phục vụ cho ngành chế biến gỗ trong khu vực cũng như cả nước”, ông Hạnh nói.
Các đơn vị tham gia Vifa Woodmac2017. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Theo ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2017 nền kinh tế của nước ta đang trên đà phục hồi tích cực nhờ Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách cùng các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bình Dương luôn nỗ lực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt dành khá nhiều ưu tiên cho ngành chế biến gỗ. Ông cũng đánh giá cao hội chợ lần này, với mục đích tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận công nghệ mới và nguồn nguyên liệu hợp pháp của thế giới ngay tại Việt Nam. Hội chợ không những tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành gặp nhau, trao đổi thông tin, hợp tác kinh doanh mà xa hơn là tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện, cung cấp máy móc, công nghệ đến các nhà sản xuất, thương mại; đem đến cơ hội để các doanh nghiệp liên kết cùng nhau phát triển một cách bền vững.
Triển vọng phát triển bền vững
Mở rộng thị trường gắn liền với những cam kết hợp tác quốc tế đang giúp các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ của Việt Nam có cơ hội vươn ra mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, song cũng đứng trước thách thức lớn là phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng tại Bình Dương, với khoảng 500 doanh nghiệp gỗ, ngành chế biến gỗ chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2017 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1,46 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 39,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.
Triển vọng phát triển ngành gỗ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 và VPA/ FLEGT. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ.
Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên) cho rằng, tiềm năng ngành chế biến gỗ ở Việt Nam vẫn đang được đánh giá rất cao, sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Những nỗ lực của các hiệp hội ngành hàng như việc xây dựng hệ thống giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp (Hawa DDS), ký cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp… trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Nó sẽ là nền tảng để ngành sản xuất đồ gỗ của Việt Nam có thể phát triển lâu dài và vững vàng hơn khi cạnh tranh ở thị trường quốc tế.
Vifa Woodmac 2017 đã quy tụ 109 doanh nghiệp, trưng bày 420 gian hàng. Trong số này có 30 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành của Việt Nam (chiếm 26%) và 79 doanh nghiệp nước ngoài đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Áo, Canada, Pháp, Đức, Ý, Malaysia, Singapore…
THOẠI PHƯƠNG