Võ Văn Kiệt - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 21-11-2012 | 00:00:00

 Bài 1: Trọn cuộc đời hoạt động cách mạng

Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở vùng châu thổ sông Cửu Long, sớm dấn thân vào con đường cách mạng từ khi còn rất trẻ. Nhắc đến tên ông, người ta sẽ nghĩ ngay đến một người cộng sản trung kiên, người lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, ông đã góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, ổn định và vững bước trên con đường hội nhập và phát triển. Ông là Võ Văn Kiệt, cố Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

  Trải qua gần 70 năm, từ những ngày lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương Vĩnh Long cho đến khi giữ cương vị cao nhất của Chính phủ, cuộc đời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng. 

Ông Võ Văn Kiệt trong một lần về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương

 Người cộng sản ưu tú

Võ Văn Kiệt được đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới. Những công trình như đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, các công trình thủy điện Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đami, cầu Mỹ Thuận, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… đã ghi dậm dấu ấn của người lãnh đạo quyết đoán, tài năng Võ Văn Kiệt.

Phan Văn Hòa - (tên khai sinh của ông Võ Văn Kiệt), sinh ra và lớn lên ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Ngay khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đông đảo các nghĩa binh trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Vĩnh Long đã đứng lên đấu tranh kiên cường. Tiếp thu tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương, Phan Văn Hòa đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và hướng về cách mạng. Được các chiến sĩ cách mạng đàn anh dìu dắt, năm 1938, khi mới 16 tuổi, Phan Văn Hòa đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Thanh niên phản đế. Đến tháng 11-1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ, Huyện ủy viên huyện Vũng Liêm và tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long.

Dưới sự phân công của Đảng, ông luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều công lớn. Từ năm 1973 đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng khác như: Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên trong Đảng ủy đặc biệt của chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với các đồng chí trong Đảng ủy chiến dịch, ông đã lãnh đạo quân và dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm tháng hoạt động gắn bó, đồng cam cộng khổ với nhân dân, ông luôn tỏ rõ là người có năng lực “thiên phú” về hoạt động thực tiễn, có phương pháp vận động, tuyên truyền cảm hóa, thu phục lòng người. Ông đã trở thành người lãnh đạo tin cậy đối với nhân dân, được dân hết lòng che chở. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trên bất cứ cương vị nào ông cũng tỏ rõ tinh thần kiên trung cách mạng, tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ sáng tạo và trên hết là tấm gương suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng hy sinh…

Sống mãi với TP.Hồ Chí Minh

Trong thời gian đầu sau giải phóng, bên cạnh những thuận lợi cùng khí thế hồ hởi, phấn khởi sau chiến thắng lịch sử, Ủy ban Quân quản và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phải vượt qua những khó khăn thách thức mới. Trên cương vị là Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh ông luôn trăn trở tìm mọi cách đưa “con thuyền thành phố” vượt qua thác ghềnh nguy hiểm. Ông củng Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo một cách chặt chẽ, năng động, sáng tạo trong xử lý hàng loạt vấn đề ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh trật tự. Ông đã dành thời gian đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của các giám đốc, thư ký công đoàn và công nhân các xí nghiệp, ý kiến của nông dân, văn nghệ sĩ, trí thức… kể cả những ý kiến khác biệt.

Các ban tham mưu về kinh tế của Thành ủy và cán bộ nghiên cứu Văn phòng Thành ủy lúc bấy giờ cho rằng hầu như mỗi ngày ông Võ Văn Kiệt đều đưa ra sáng kiến mới, ý tưởng mới mang tính đột phá, mở lối thoát để khắc phục khó khăn của mô hình kinh tế cũ. Từ hoạt động thực tiễn, ông nhận thấy kinh tế thành phố không thể tách rời với các tỉnh đồng bằng Nam bộ và miền Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tây nguyên… Tách thành phố ra khỏi khu vực cả nước sẽ làm cho thành phố và khu vực yếu đi; sức của cả nước sụt giảm. Chính từ nhận thức đó, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì những cuộc họp với bí thư các tỉnh trong vùng để bàn biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đời sống kinh tế - xã hội.

Hơn 15 năm là người đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định - TP.Hồ Chí Minh trong kháng chiến cũng như trong hòa bình, đồng chí Sáu Dân - Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong lòng Đảng bộ và quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP.Hồ Chí Minh bằng những cống hiến to lớn được ghi đậm trong Lịch sử Đảng bộ TP.Hồ Chí Minh. Thời đồng chí làm Bí thư Thành ủy đã đưa thành phố trở thành địa bàn nổi tiếng năng động, đổi mới có hiệu quả. Ông luôn là con người của thực tiễn, của hành động- hành động trên cở sở tư duy thực tiễn phù hợp quy luật, năng động sáng tạo như một bản năng vốn có. Nói đi đôi với làm, thấy đúng và thấy có lợi cho cách mạng, cho dân, cho nước thì cương quyết làm, làm đến nơi đến chốn và chịu trách nhiệm với cấp trên, dù có trái với chủ trương lúc bấy giờ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải nhận định. Chính những chủ trương, chính sách do đồng chí Võ Văn Kiệt tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn TP.Hồ Chí Minh, rồi đưa ra thi hành thí điểm, tiến hành tổng kết đã trở thành những bước đột phá, những căn cứ thực tiễn quan trọng góp phần hình thành tư duy và đường lối đổi mới sau này.

Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh và vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây, ông mãi mãi sống trong ký ức của Đảng bộ, của các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định - TP.Hồ Chí Minh.

Bài 2: Dấu ấn trên những công trình thế kỷ

 

 TRÍ DŨNG - QUANG TÁM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=615
Quay lên trên