Dám nghĩ, dám làm, gần gũi và giàu lòng nhân ái là những lời nhận xét của người dân quanh vùng về ông Lê Văn Phấn (ảnh) ở ấp 3, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Ông Phấn còn được biết đến là một nông dân sản xuất giỏi, trở thành tỷphú nhờ mô hình trồng cây có múi.
Mô hình trồng cây có múi, đặc biệt là quýt đường của ông Lê Văn Phấn không còn xa lạ với người dân trong vùng và tiểu thương ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bởi những loại trái cây mà ông trồng ra luôn bảo đảm chất lượng tốt, trái đẹp, thơm, ngọt đậm đà. Thị trường tiêu thụ không chỉ nhỏ lẻ ở Bình Dương, mà nông sản của ông đã theo những chiếc xe tải lên Tây nguyên, ra tận Hà Nội. Ông Phấn “khoe”, hiện nay, ông có đến 62 ha đất trồng các loại cây cam, quýt, bưởi ở xã Trừ Văn Thố (Bàu Bàng), Thanh An (Dầu Tiếng) và Lộc Hưng (Bình Phước). Với 13 ha đã cho thu hoạch, mỗi năm ông thu về từ 4 - 6 tỷđồng tiền lãi.
Chia sẻ về con đường trở thành “vua quýt” của mình, ông Lê Văn Phấn nói: “Không ai thành công mà không trải qua thất bại. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhạy bén, không ngừng tìm tòi, học hỏi để nắm vững kỹ thuật. Cây có múi cho năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng cũng là loại cây trồng khó tính”. Chứng minh cho sự nhạy bén của mình, ông Phấn kể, sau ngày giải phóng, tôi đã biết khai phá những cánh đồng bỏ hoang tại quê nhà Long An để trồng mía đường, rồi trở thành chủ cơ sở sản xuất khi mới 35 tuổi và được người trồng mía gọi là “Tỷphú Đồng Bưng”. Tuy nhiên, vào năm 1998, nhận thấy thị trường mía đường đang có dấu hiệu đi lùi, ông cùng một người bạn lên xã Trừ Văn Thố mua đất làm vườn, tìm hướng đi mới. Và từ 4 ha diện tích canh tác ban đầu, sau 17 năm, ông đã mở rộng mô hình canh tác trên diện tích 62 ha.
Hiện nay, mô hình trồng cây ăn trái của ông Phấn đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 60 lao động, chưa tính lao động thời vụ. Ông Phấn tâm sự: “Mình thành công chính là nhờ những công nhân lao động tận tình nên tôi phải bảo đảm họ có cuộc sống ổn định. Vì vậy, ngoài chế độ lương, thưởng... tôi còn cất nhà cho công nhân ở. Vườn rộng nên họ có thể trồng thêm hoa màu, nuôi thêm con gà, con heo... Thậm chí, tôi còn đào ao thả cá để họ cải thiện bữa ăn”. Không chỉ cất nhà cho công nhân, ông Lê Văn Phấn còn tích cực đóng góp cho các phong trào xã hội tại địa phương như làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ phòng chống bão lụt… Mong ước của ông hiện tại là làm sao thành lập được một câu lạc bộ trồng cây có múi để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhiều người nông dân phát triển mô hình, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
TIỂU LIÊN