Vững tin trước cơ hội đón dòng vốn FDI mới

Cập nhật: 31-12-2022 | 08:29:44

Năm 2022 đầy biến động và những thách thức đa chiều, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Bình Dương. Nổi bật là điểm sáng về dòng vốn FDI chất lượng cao của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong việc chọn Bình Dương làm điểm đến. Điều này mở ra cơ hội lớn, cũng là hành trang đáng tự hào để Bình Dương vững tin trước triển vọng mới trong năm 2023.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam (KCN Bàu Bàng)

Điểm đến của dòng vốn ngoại

Mới đây, tại buổi tiếp và làm việc của lãnh đạo tỉnh với đoàn công tác tỉnh Toyama (Nhật Bản), ông Nitta Hachiro, Thống đốc tỉnh Toyama, chia sẻ chính quyền tỉnh Toyama đã tiến hành điều tra nhu cầu đầu tư từ các doanh nghiệp của tỉnh này và Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà các DN chọn đến đầu tư, trong đó có Bình Dương. Hiện trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại Bình Dương, Nhật Bản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 15% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

Tại buổi trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư tại Bình Dương, ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp, đánh giá Bình Dương là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí của Sharp. Tập đoàn đã có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP I và VSIP II mở rộng. Đặc biệt, thời gian tới, Sharp sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và xây dựng thêm 1 nhà máy quy mô lớn, định hướng phát triển về các sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến như sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, đồ điện tử gia dụng, sản phẩm sức khỏe…

Không chỉ có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, mà hầu hết các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác cũng tin tưởng về triển vọng vượt qua mọi khó khăn, thách thức và sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Ông Charles R.Kaye, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Warburg Pincus (Hoa Kỳ), cho biết tại Bình Dương, Warburg Pincus đã có 4 năm cùng Becamex IDC xây dựng dự án liên doanh. Đến nay dự án đã phát triển thành công vược bậc. Hiện với 1,5 triệu m2 sàn đã được xây dựng, là cơ sở để Tập đoàn Warburg Pincus tiếp tục hợp tác để triển khai thêm nhiều dự án đầu tư mới tại Bình Dương.

Nhiều cơ hội

Đáng chú ý, thời gian gần đây Bình Dương đang dịch chuyển dần sang thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư châu Âu, trong đó có Đan Mạch đang chọn Bình Dương làm cứ điểm sản xuất. Năm 2022, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương, Đan Mạch dẫn đầu với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư vào tỉnh.

Ngay sau khi Tập đoàn Lego quyết định lựa chọn Bình Dương là điểm đầu tư và xây dựng nhà máy mới, Tập đoàn Pandora, thương hiệu trang sức Đan Mạch tiếp tục ký thỏa thuận xây dựng cơ sở chế tác trang sức mới tại KCN VSIP III, với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ. Dự kiến, dự án này sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2023 và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2024. Đây là cơ sở thứ 3 của Pandora trên thế giới, đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan. Vừa qua, Bình Dương cũng vừa ký biên bản ghi nhớ với THACO để xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng. Đây là KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút thêm dòng vốn FDI vào tỉnh.

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Bình Dương, Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP là liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Tổng Công ty Becamex IDC, đến nay đã phát triển thành Tập đoàn VSIP Group với hơn chục dự án trên cả nước. Ông Nguyễn Phú Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH KCN VSIP, cho biết VSIP Group sẽ tiếp tục mở rộng thêm các KCN mới để đón thêm “đại bàng”, hướng tới các tiêu chuẩn bền vững, nâng tầm phát triển của mô hình KCN đơn thuần sang mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững, điển hình như KCN VSIP III mới khởi công trong năm 2022 tại Bình Dương.

Có thể thấy, những lợi thế để Bình Dương thu hút FDI là điều không cần bàn cãi, điều đáng quan tâm lúc này là chuẩn bị như thế nào để tận dụng nhiều hơn các cơ hội từ làn sóng đầu tư trong thời gian tới. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết với quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm; lấy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là khâu trọng yếu, Bình Dương vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Không chỉ cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Bình Dương còn tích cực xây dựng, quảng bá đưa hình ảnh của tỉnh vươn ra quốc tế. Chính sự nỗ lực này cộng với những lợi thế sẵn có của địa phương, Bình Dương tin tưởng rằng các nhà đầu tư thực sự hài lòng và an tâm khi đầu tư, cũng như tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quy mô, chất lượng đầu tư tại Bình Dương trong thời gian tới”, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết.

Năm 2022, Bình Dương đã thu hút được thêm 3,14 tỷ đô la Mỹ (tăng 47,3% so với cùng kỳ). Lũy kế, toàn tỉnh có 4.082 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh. Kết quả này tiếp tục là động lực góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên